Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguồn lực mới cho công cuộc phát triển đất nước

Thanh Mai| 28/07/2015 18:55

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm (2011-2015) trong bối cảnh Chính phủ kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ nên việc thu xếp vốn để đảm bảo thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng rất khó khăn, trong khi tình hình tài chính của Tập đoàn mất cân bằng lớn trong nửa đầu nhiệm kỳ.


Tình hình khô hạn dẫn đến thiếu hụt nguồn nước cho thủy điện; lạm phát tăng; mặt bằng lãi suất, giá nguyên vật liệu đầu vào, tỷ giá tăng cao… là những thách thức lớn trong thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư, thậm chí có thể trở thành những nguy cơ trầm trọng như: không thu xếp được nguồn vốn vay trong và ngoài nước, thiếu hụt lớn nguồn điện, thua lỗ kéo dài, mất uy tín trong quan hệ tín dụng quốc tế. Trong bối cảnh đó, được sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, EVN đã nỗ lực, phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao: Đáp ứng đủ nhu cầu điện của đất nước, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hóa và đời sống nhân dân, cân bằng được tài chính, sản xuất kinh doanh có lãi…


Điện đã thực sự đi trước một bước
Thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, trong giai đoạn 2011-2015, EVN đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển KT-XH của đất nước. Đến hết năm 2014, tổng công suất đặt của hệ thống điện Việt Nam là 33.964 MW và có dự phòng trên 20%, trong đó công suất nguồn điện do Tập đoàn sở hữu là 18.426 MW (chiếm 52,3% tổng công suất đặt hệ thống). Năm 2015, dự kiến kế hoạch điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh, tính chung cả giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng điện thương phẩm bình quân hàng năm ước đạt 10,4%/năm, thấp hơn so với dự báo tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện của nền kinh tế đã được Chính phủ giao cho Tập đoàn trong kế hoạch 5 năm 2011-2015 (12%/năm) và bằng 70% so với dự kiến tại Quy hoạch điện VII (14,1%). Tỷ lệ điện năng dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối đã giảm đáng kể. Phấn đấu đến hết năm 2015 tổn thất điện năng là 8% theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Chương trình tiết kiệm điện đã được thực hiện trong các năm qua như: Thay đèn sợi đốt bằng đèn tiết kiệm điện; Chương trình quảng bá bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời, thí điểm mô hình công ty dịch vụ năng lượng ESCO; hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng thực hiện kiểm toán năng lượng; triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả , do đó sản lượng điện tiết kiệm hàng năm đạt từ 1,7%-2,5% sản lượng điện thương phẩm.

Điểm bình quân đánh giá mức độ hài lòng khách hàng sử dụng điện toàn Tập đoàn tăng hàng năm và đạt 7,5/10 vào năm 2015. Thời gian phục hồi điện sau sự cố trong vòng 2 giờ; thời gian lắp đặt công tơ mới nhanh hơn thời gian quy định, đạt 83,17% so với tổng số trường hợp phát triển khách hàng mới ở đô thị và 88,61% khách hàng ở nông thôn. EVN ban hành sửa đổi Bộ Quy trình kinh doanh điện năng theo yêu cầu mới, theo đó, các Tổng công ty Điện lực đã áp dụng Quy trình một cửa, rút gọn thủ tục để giảm thiểu thời gian cấp điện cho các khách hàng. Chỉ tiêu tiếp cận điện năng giảm từ 155 ngày xuống còn 36 ngày.

Trước tình hình khó khăn chung đối với các doanh nghiệp để duy trì sản xuất và kinh doanh, các đơn vị trong Tập đoàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi về điện cho phát triển sản xuất và kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế, giải quyết kịp thời các nhu cầu điện đột xuất như trồng Thanh Long, phát triển nuôi tôm hộ gia đình ở một số tỉnh Tây Nam bộ, hoàn thành các công trình cấp điện cho các Tổ hợp công nghiệp có quy mô lớn của các nhà đầu tư nước ngoài .

Nhiều ứng dụng công nghệ mới và công nghệ thông tin trong kinh doanh điện năng được triển khai, mở rộng khai thác các tiện ích, tính năng hỗ trợ các giao dịch với khách hàng qua giao diện điện tử trên các thiết bị di động, internet: các ứng dụng về đăng ký cấp điện mới, đọc chỉ số, tra cứu thông tin khách hàng, tra cứu chỉ số, lấy hóa đơn điện tử.


Nâng cao năng lực truyền tải, góp phần ổn định chính trị
Trong giai đoạn 2011-2015, EVN đã tập trung các nguồn lực vào đầu tư, phát triển nguồn và lưới điện với tổng vốn đầu tư là 479.620 tỷ đồng gấp 2,37 lần so với giai đoạn 2006-2010 và đạt 95,7% kế hoạch được giao theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, đã đưa vào vận hành 34 tổ máy với tổng công suất: 9.852MW, bằng 125% so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh; khởi công 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 5.629 MW. Đặc biệt, công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á công suất 2.400MW đã chính thức khánh thành vào ngày 23-12-2012, vượt trước thời hạn 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho đất nước, được Đảng và Chính phủ đánh giá cao. Các dự án nguồn điện cấp bách miền Nam đảm bảo tiến độ (như Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhiệt điện Duyên Hải 1...) góp phần đảm bảo cung ứng điện cho miền Nam. Đồng thời, hoàn thành đóng điện 865 công trình lưới điện từ 110-500kV với tổng chiều dài đường dây trên 13.360km, tổng công suất các trạm biến áp gần 61.000 MVA, đảm bảo đấu nối, truyền tải công suất phát các nguồn điện, tăng cường năng lực truyền tải của toàn hệ thống, đã kết nối khép kín mạch vòng 500kV tại khu kinh tế trọng điểm miền Bắc, miền Nam và kết nối ở cấp điện áp 500kV lưới điện Đông Nam bộ với Tây Nam bộ và khả năng cung ứng điện của lưới điện tại nhiều khu vực. Trong đó, đã hoàn thành đưa vào vận hành các công trình nâng khả năng truyền tải Bắc – Nam, như các đường dây: 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, 220kV Đắk Nông - Phước Long - Bình Long; thay thế tụ bù dọc nhằm nâng cao khả năng tải cho cả 2 mạch đường ĐD 500kV Bắc - Nam; các công trình lưới điện đấu nối các nhà máy thủy điện Sơn La, Lai Châu, các trung tâm điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, Mông Dương.

Giai đoạn 2011-2015, EVN đã nỗ lực đầu tư đưa điện về nông thôn, hải đảo vượt kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2014, tính chung trên cả nước đã đạt được 99,59% số xã và 98,22% số hộ dân nông thôn được sử dụng điện (vượt mục tiêu của Chính phủ là tới cuối năm 2015 đạt 98% hộ nông thôn có điện). Tỷ lệ có điện tại khu vực nông thôn các tỉnh Tây Nguyên đã đạt 99,83% về số xã và 95,8% về số hộ dân; khu vực nông thôn Tây Nam bộ là 98,85% số xã và 97,27% số hộ dân; khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đạt 96,62% về số xã và 83,76% số hộ dân.

Công tác đầu tư đưa điện về nông thôn, miền núi và hải đảo đã góp phần thực hiện xoá đói giảm nghèo, cùng Trung ương và Chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vấn đề kinh tế-xã hội, giữ gìn ổn định chính trị, an ninh tại các địa bàn trọng điểm tại 5 tỉnh Tây Nguyên, khu vực Tây Nam bộ, Tây Bắc. Trên tuyến biên giới quốc gia: đến nay hầu hết các xã biên giới đã được cấp điện góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu định canh định cư, phát triển kinh tế và giữ gìn an ninh khu vực biên giới.

EVN đảm nhận cung cấp điện cho 8/12 huyện đảo Vân Đồn-Quảng Ninh; Cát Hải-Hải Phòng; Lý Sơn-Quảng Ngãi; Phú Quý-Bình Thuận; Côn Đảo-Bà Rịa-Vũng Tàu; Phú Quốc, Kiên Hải-Kiên Giang. Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 , theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2014 EVN đã hoàn thành các dự án cáp ngầm vượt biển để đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Cô Tô và Lý Sơn và đường dây trên trên không ra đảo Kiên Hải.

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ, Tập đoàn đã tham gia và hoàn thành các chương trình hỗ trợ 03 huyện nghèo Tân Uyên, Than Uyên và Phong Thổ tỉnh Lai Châu giai đoạn 2009-2015, gồm: Phát triển mở rộng lưới điện nông thôn; đào tạo và bố trí việc làm cho con em dân tộc; xây dựng trường học; xây dựng nhà bán trú dân nuôi; hỗ trợ xóa nhà tạm; hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm: mua bảo hiểm y tế cho các cháu học sinh... Tổng giá trị thực hiện là 510 tỷ đồng.

Bài học từ thực tiễn
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ trong thời gian qua, Đảng ủy EVN rút ra những bài học kinh nghiệm: Sự đoàn kết, thống nhất, đề cao dân chủ của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, bám sát, cụ thể hoá và vận dụng sáng tạo vào tình hình cụ thể của Tập đoàn trong việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Chương trình công tác toàn khóa, lãnh đạo và giải quyết đúng đắn các vấn đề về chiến lược, các nhiệm vụ cấp bách; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của lãnh đạo các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội là yếu tố quan trọng để Đảng ủy lãnh đạo và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; làm tốt công tác chính trị tư tưởng, triển khai quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, kịp thời phát hiện xử lý những vấn đề nảy sinh; trực tiếp lãnh đạo và thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá và sử dụng cán bộ cấp uỷ, chuyên môn và đoàn thể các cấp. Coi trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài.

Đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ đảng, phát huy tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên quyết, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát mục tiêu, phân công cụ thể, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, đánh giá, động viên kịp thời. Trong hoạt động phải bám sát quy chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quy chế và thực hiện tốt các mối quan hệ phối hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng; thực hiện nền nếp công tác kiểm điểm, phê bình; kiên quyết xử lý và kịp thời thay thế những cán bộ, đảng viên có sai phạm, thiếu trách nhiệm, yếu năng lực. Một Đảng bộ mạnh là hạt nhân tạo ra sức mạnh cho toàn Tập đoàn nói riêng và tạo nguồn lực mới cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn lực mới cho công cuộc phát triển đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.