(HNM) - Trong chuyến thăm lại quê hương cùng các cựu chiến binh thuộc Hội Cựu chiến binh Mỹ vì hòa bình (VFP) có một nhân vật khá đặc biệt.
Không ngần ngại chia sẻ những suy nghĩ, tâm tư và những điều còn day dứt về quá khứ, về cuộc chiến tranh ông gọi là phi nghĩa, ông nhấn mạnh, muốn hiểu giá trị của hòa bình hãy đến Việt Nam, hòa bình là giá trị thiêng liêng nhất, bởi vì các thế hệ người Việt đã phải hy sinh đến cùng để có được ngày hôm nay.
Peter Nguyễn trong một lần trở về Việt Nam. |
Ông Peter Nguyễn (tên khai sinh Nguyễn Thế Phương) sinh năm 1952 tại tỉnh Thái Bình. Ông đã di cư vào miền Nam cùng gia đình năm 1955. Rời Việt Nam vào tối 29-4-1975 trên một tàu hải quân Mỹ, một ngày trước khi chính quyền Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, ông vẫn chưa thể quên cảm giác sợ hãi của đoàn quân vỡ trận. Những ngày tháng sau đó mới khiến ông hiểu thế nào là hòa bình. Hòa bình là không có đạn bom, không có tiếng súng, không có giới nghiêm. Đây cũng là lý do ông tham gia tổ chức VFP. Ba năm sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao, năm 1998, lần đầu tiên Peter Nguyễn trở về Việt Nam. Vị cựu binh già cho biết: "Ngày ra đi năm 1975, tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày còn quay lại. Gia đình tôi là một gia đình di cư, chỉ cách miền Bắc có một con sông Bến Hải nhưng khác biệt quá nhiều. Tôi vô cùng cảm kích khi được trở về quê hương. Ở nước Mỹ, có những lúc nhìn tuyết trắng, tôi đã nghĩ mình sẽ chết ở đây".
Từ đó đến nay, ông đã 10 lần trở về Việt Nam. Mỗi lần về nước, ông lại thấy đất nước đổi thay mạnh mẽ, từ tốc độ xây dựng nhà cửa, đường sá, nhà máy đến phát triển kinh tế, văn hóa… Đối với ông, điều may mắn nhất là mỗi lần trở lại, ông được đón tiếp đầy thân tình mà không gặp sự nghi kỵ nào. Thủ tục hành chính mỗi lần quay lại cũng dễ dàng hơn. Năm 2013, ông là một trong những kiều bào được ra thăm Trường Sa. Sau lần đi đó, ông mang về Mỹ một ít nước, cát, san hô ở Trường Sa và để lên ban thờ. Mỗi sáng, ông dậy sớm thắp nén hương thơm, đọc kinh, cầu mong Biển Đông thôi "dậy sóng".
Là sĩ quan tình báo, không cầm súng chiến đấu trực tiếp nhưng Peter Nguyễn còn nhiều trăn trở. Ông cho biết điều ông ám ảnh nhất trong cuộc chiến là hậu quả vô cùng lớn của chất độc da cam. Năm 2010, con gái ông về Việt Nam 6 tháng làm việc cho một dự án khắc phục hậu quả chất độc dioxin. Lúc đó, ông đã mừng rơi nước mắt. "Tôi đã mong làm gì đó cho Việt Nam mà không được. Có lẽ con gái tôi từ nhỏ đã hiểu những băn khoăn đó", Peter Nguyễn nói. Cựu sĩ quan tình báo ngày nào giờ tóc đã bạc, ở cái tuổi xế chiều, với ông còn được ngày nào về với quê hương thì đó là niềm hạnh phúc. Ông cảm thấy an lòng hơn khi thấy một Việt Nam hòa bình, có thể đứng vững trên đôi chân của chính mình và phát triển thịnh vượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.