(HNM) - Với tình yêu và niềm đam mê, nhiều năm qua, chị Nguyễn Thanh Tuyền (quê gốc ở tỉnh Vĩnh Long) đã không quản ngại vất vả, cất công đi tìm vùng đất thích nghi để phát triển cây dược liệu.
Đất lành...
Cách đây 5-6 năm, chị Nguyễn Thanh Tuyền đặt vấn đề phối hợp với người dân xã Bắc Sơn trồng, bảo tồn cây dược liệu, nhưng chị đã gặp muôn vàn khó khăn. Lúc ấy, với người nông dân nơi đây, việc cấy lúa, trồng khoai, trồng sắn... trên những thửa ruộng, vạt đồi còn gian nan thì việc trồng và bảo tồn cây dược liệu là điều gì đó thật xa lạ. Mà với lương thực, nếu không bán được có thể lưu trữ, sử dụng dần nhưng với cây dược liệu thì không đơn giản như vậy. Chưa kể, chị Tuyền không phải người địa phương nên cũng chưa dễ tạo lòng tin với người dân...
Chị Nguyễn Thanh Tuyền chăm sóc vườn trà hoa vàng tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). |
Tuy nhiên, với sự bền bỉ của chủ nhân vườn dược liệu Nguyễn Thanh Tuyền và cây không phụ công người, chỉ sau ít năm, vùng đất khó đã được phủ xanh bởi bạt ngàn cây dược liệu quý. Trải lòng về những ngày đầu đến với vùng đất khó này, chị Tuyền sẻ chia: “Núi đồi thì ở nhiều địa phương từ Bắc đến Nam đều có, nhưng không phải vùng đất nào cây dược liệu cũng thích nghi. Trước khi bắt tay vào phát triển vườn dược liệu, tôi đã nghiên cứu kỹ thời tiết, độ ẩm, thổ nhưỡng... ở rất nhiều nơi khác nhau. Cuối cùng, tôi phát hiện, vùng núi thuộc huyện Sóc Sơn nằm trong hệ thống núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) có nhiều lợi thế hơn các vùng khác cho cây dược liệu nên tôi đã chọn và đặt vấn đề nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ; đồng thời, kiên trì thuyết phục người dân ủng hộ phát triển vườn dược liệu".
Sau nhiều nỗ lực, cuối năm 2014, 5ha cây dược liệu đầu tiên của chị Tuyền đã hình thành trên địa bàn xã Bắc Sơn, chủ yếu là cây trà hoa vàng, khôi tía. Lấy ngắn nuôi dài, chị Tuyền trồng thêm một số thảo dược ngắn ngày như: Râu mèo, thìa canh, kim ngân hoa và các loại hoa dược liệu khác, cung cấp cho các công ty dược; chế biến các loại trà thảo mộc... phục vụ nhu cầu tiêu dùng. Quy mô sản xuất tăng dần, đến nay, vùng trồng dược liệu ở Bắc Sơn và một số xã xung quanh đã có diện tích hơn 20ha với khoảng 100 loại thảo dược quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ, trà hoa vàng… Trong đó, nhiều dược liệu trồng bảo tồn để giữ gen; có loài được mở rộng diện tích như trà hoa vàng 7ha với hơn 20 chủng loại. Khu vườn dược liệu cứ thế lớn dần, từ chỗ chỉ là hộ sản xuất, hiện phát triển thành Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn.
Làm nông nghiệp vốn bấp bênh lại thường xuyên đối mặt với rủi ro bởi không phải lúc nào thiên nhiên cũng thuận. Những trận dông lốc, mưa dầm hay những tháng hè nắng cháy... đã lấy đi bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của chị Tuyền và cộng sự. Mới đây, trận dông lốc giữa tháng 2-2019 đã kéo sập toàn bộ giàn lưới của vườn trà hoa vàng, ước thiệt hại cả trăm triệu đồng. Đó là chưa kể tập quán canh tác cũ đã “ăn sâu, bám rễ”, nên khi chuyển sang canh tác hữu cơ, người dân không tránh khỏi lúng túng... Khi ấy, chị Tuyền lại kiên nhẫn, “cầm tay chỉ việc”... Chị bảo, cây dược liệu khá khó tính, phải trồng, chăm sóc hoàn toàn tự nhiên, đúng quy trình, đủ thời gian chứ không thể “kích” cho lớn nhanh để thu hoạch. Trực tiếp cùng người lao động trồng, chăm sóc, thu hái dược liệu không kể ngày nắng, ngày mưa với bao vất vả nhọc nhằn..., chị và những người nông dân nơi đây đã được hưởng thành quả khi vườn dược liệu ngày càng đa dạng, xanh tốt. Mừng hơn cả là năm 2018, doanh thu của Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn do chị Tuyền làm Phó Giám đốc phụ trách đã đạt hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động địa phương.
Sức lan tỏa mãnh liệt
Trong suy nghĩ, chị Tuyền luôn đau đáu, Việt Nam sở hữu kho báu dược liệu dồi dào với hàng nghìn loài thực vật, tại sao không khai thác lợi thế để đưa cây thuốc Nam chữa bệnh đến gần hơn đời sống người dân? Từ trăn trở đó, chị cùng các nhà sư chùa Đức Hậu (xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn) mở tủ thuốc Nam từ thiện. Mỗi tháng 2 kỳ - vào mùng một và ngày rằm, nhà chùa phát thuốc cho người có nhu cầu. Rất nhiều bệnh nhân bị bệnh thông thường như: Mẩn ngứa, sỏi thận, dạ dày... đã tới lấy thuốc về sử dụng. “Người đến xin thuốc mang theo kết quả chẩn đoán bệnh của các bệnh viện, cơ sở y tế. Trên cơ sở đó, chúng tôi bốc thuốc, hướng dẫn uống cụ thể. Chúng tôi cũng có sổ theo dõi bệnh nhân, sau khi phát thuốc 3 tháng, chúng tôi yêu cầu bệnh nhân tái khám tại cơ sở y tế để thẩm định kết quả sau khi sử dụng thuốc ở đây” - chị Tuyền kể. Không chỉ cho thuốc, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn còn khuyến khích người dân tự trồng cây dược liệu. Sau khi uống thuốc Nam có tác dụng, hợp tác xã vận động và hỗ trợ cây giống để bệnh nhân tự trồng cây dược liệu trong vườn nhà, phục vụ chính nhu cầu chữa bệnh của gia đình. Qua đó, người dân có thể chủ động chữa những bệnh đơn giản và đó chính là cách thu hút người dân tham gia trồng cây xanh, bảo vệ môi trường...
Theo chị Tuyền, thầy thuốc giỏi tìm ra bệnh nhưng không có thuốc tốt thì vẫn khó khỏi bệnh. Thuốc tốt phải bắt nguồn từ dược liệu tốt. Vì vậy, các khâu gieo trồng dứt khoát không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học mà được thành viên Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn dùng phân bón hữu cơ, các loại thảo mộc trong phòng ngừa và trị sâu, bệnh cho cây. Nhờ vậy, phần lớn sản phẩm sau thu hoạch của hợp tác xã được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua hết. Bên cạnh đó, chị Tuyền còn chế biến 25 sản phẩm từ vườn thảo dược như: Trà ướp hoa, trà hoa... Các loại thảo dược túi lọc; các loại tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm (từ thảo dược)... được người tiêu dùng tin cậy. Ngoài ra, chị còn hướng dẫn người dân “gia giảm” dược liệu vào các món ăn, đồ uống hằng ngày để góp phần cải thiện sức khỏe thường xuyên...
“Thìa canh giúp hạ đường huyết, hỗ trợ điều trị tiểu đường; khôi tía lại tốt cho ai bị viêm loét, trào ngược dạ dày; râu mèo trị sỏi thận, viêm đường tiết niệu; hoa kim ngân giúp thanh nhiệt, giải độc, hạ huyết áp; trà hoa vàng là vị thuốc quý bảo vệ thành mạch, phòng ngừa các bệnh tai biến, ngăn ngừa sự hình thành khối u... Như vậy, phát triển cây dược liệu không đơn thuần là làm kinh tế mà còn hướng đến phục vụ sức khỏe cộng đồng cùng mục tiêu bảo tồn nguồn dược liệu quý của Việt Nam. Vì những điều đó, chúng tôi không dừng lại mà tiếp tục mở rộng quy mô các loài cây có giá trị đáng quý này” - chị Tuyền tự tin khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.