(HNM) - Là người con của làng gốm Bát Tràng, xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm), làm quen với đất sét, bàn xoay từ rất sớm, nhưng để tìm cho mình một lối đi riêng, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1953) đã chọn gắn bó với gốm nghệ thuật và điêu khắc hội họa. Gần 40 năm miệt mài với điêu khắc nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã khẳng định tài năng bằng nhiều tác phẩm được công chúng yêu mến, ngưỡng mộ.
Nét tài hoa, tinh tế của người thợ Bát Tràng
Chúng tôi tìm đến làng nghề Bát Tràng vào một ngày giữa tháng 7 trời nắng như đổ lửa để được trò chuyện với nghệ nhân Nguyễn Văn Bình sau chuyến công tác dài ngày của ông. Với giọng nói hào sảng đậm chất nghệ sĩ và bằng tình yêu nghệ thuật dân gian, ông đã cuốn hút người đối diện với những câu chuyện về nghề ngay từ những phút đầu gặp mặt.
Là hậu duệ đời thứ 16 của dòng họ Nguyễn Thiện, một trong 19 dòng họ làm nghề gốm ở làng Bát Tràng, từ thuở bé Nguyễn Văn Bình đã theo cha làm gốm. Lớn lên, ông đi bộ đội. Khi trở về từ chiến trường chống Mỹ, ông theo học ngành điêu khắc hệ chuyên tu trung cấp tại Trường Đại học Kiến trúc (nay là Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội). Tốt nghiệp trở về quê hương, ông dồn hết những kiến thức điêu khắc đã học cùng những tinh hoa của làng nghề truyền thống để tạo nên những tác phẩm điêu khắc gốm nghệ thuật độc đáo.
Những bộ tượng gốm Quan Âm, Phật Di Lặc, Tam Đa rồi những bức tượng gốm nghệ thuật Thị Kính, mẹ Đốp, Lý trưởng… lần lượt ra đời bằng nỗ lực và tâm huyết của ông. Vẫn là xương, là men của gốm Bát Tràng nhưng được vuốt, chạm theo hình khối, đường nét tinh tế của nghệ thuật điêu khắc hiện đại, tạo nên nét độc đáo vừa hiện đại, vừa truyền thống trên mỗi tác phẩm. Những miếng đất vô tri vô giác qua bàn tay ông đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có sức hút, khiến người xem không khỏi thán phục về sự tài hoa và tinh tế của người thợ Bát Tràng.
Say sưa với màu men, chất đất gốm sứ của quê hương, nhiều tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình mang dấu ấn đậm nét của gốm và sứ. Trong đó, tác phẩm mà ông tâm đắc nhất, cũng là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng trong lòng công chúng có thể kể đến đôi rồng bằng gốm lớn nhất Việt Nam.
Đôi rồng gốm khổng lồ mô phỏng rồng đời Lý có chiều dài 35m, cao hơn 8m được nghệ nhân Nguyễn Văn Bình và các nghệ nhân làng nghề Bát Tràng hoàn thành năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. “Siêu phẩm” nặng hơn 60 tấn này được gia công bằng khung thép với lớp bê tông dày 10-20cm. Bề ngoài trang trí bằng 6.000 chiếc đĩa và hơn 4.000 chiếc cốc có nước men đặc biệt cùng các mảng gốm nung ở nhiệt độ 1.300 độ C. Chưa kể, trong miệng cặp rồng được ngậm hai viên ngọc lớn là loại đá quý nặng 57kg/viên.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình cho biết, ông và các nghệ nhân làng Bát Tràng đã dành 6 tháng ròng rã để lên ý tưởng và hoàn thiện đôi rồng gốm. Tác phẩm một lần nữa khẳng định chất liệu gốm có sức biểu cảm rất độc đáo, tạo nên những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, có sức trường tồn thông qua bàn tay tài hoa của người nghệ nhân. Hiện, đôi rồng được đặt nổi trên mặt hồ Tây, gần khu vực vườn hoa Lạc Long Quân (phường Nhật Tân) không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, tâm linh, mà còn tạo cho địa danh này thêm điểm nhấn văn hóa, du lịch.
Nghệ nhân “bàn tay vàng” không ngừng học hỏi
Kế nghiệp nghề cha ông để lại song không dừng lại ở đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình còn đau đáu ước vọng mang đến một hình ảnh mới cho làng quê Bát Tràng. Một Bát Tràng không chỉ được biết tới với những sản phẩm trong gia đình như bình, lọ, chén, bát… mà còn là những tác phẩm điêu khắc hội họa và gốm nghệ thuật trưng bày trong nhiều không gian khác nhau. Chính vì thế ông đã tìm tòi nhiều chất liệu và ứng dụng nghệ thuật điêu khắc lên những tác phẩm bằng đá, đồng, gỗ, thậm chí là cả bê tông.
Cũng từ đây, bộ 18 bức tượng tái hiện toàn bộ quy trình sản xuất gốm truyền thống của làng nghề Bát Tràng đặt tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm), bộ đôi tượng Hộ Pháp ở đình làng Bát Tràng, bức tượng Chopin (nhà soạn nhạc thiên tài người Ba Lan) bằng đá xanh tại vườn Cam (huyện Hoài Đức), Tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ (huyện Gia Lâm), Tượng đài vinh quang người thợ mỏ tại tỉnh Quảng Ninh… ra đời, đem lại cho công chúng những cái nhìn mới mẻ hơn về nghệ thuật điêu khắc.
Nói về nghệ nhân Nguyễn Văn Bình, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Nghị, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp nhận xét: “Đối với điêu khắc gốm, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình đã đẩy lên thành nghệ thuật, trong đó có cả các tác phẩm điêu khắc lớn, điêu khắc ngoài trời. Tính kế thừa, phát huy truyền thống nghề gốm thể hiện trên các tác phẩm điêu khắc của nghệ nhân Nguyễn Văn Bình được thể hiện linh hoạt thông qua ngôn ngữ của gốm với hình khối và màu men quen thuộc. Trong các tác phẩm điêu khắc của mình, chất dân gian, chất truyền thống rất rõ nét, trở thành thế mạnh của nghệ nhân, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bình”.
Cả cuộc đời gắn bó với nghề làm gốm nhưng chưa bao giờ nghệ nhân Nguyễn Văn Bình ngừng học hỏi. Ông học thầy, học bạn, để không ngừng tiến bộ về nghề và để có những góc nhìn nghệ thuật mới mẻ hơn, từ đó nâng tầm giá trị tác phẩm. Ông cũng luôn trăn trở để nâng cao hơn nữa tính ứng dụng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nói chung và đồ gốm sứ nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Ông quan niệm, chỉ có đi vào cuộc sống, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mới có thể sống đời sống thực của nó và tạo ra sức phát triển của các làng nghề. Nghệ nhân Nguyễn Văn Bình còn dành nhiều thời gian, tâm huyết truyền lại nghề cho các thế hệ kế cận với mong muốn thế hệ trẻ gìn giữ và phát huy nghề truyền thống.
Với những đóng góp của mình, nghệ nhân Nguyễn Văn Bình vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý ở cấp quốc gia và khu vực. Trong đó, ông vinh dự được Chương trình nghệ thuật Đông Dương do Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội đồng trung ương Liên minh các Hợp tác xã Việt Nam trao tặng giải thưởng “Bàn tay vàng”, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề”... Ngoài ra, ông còn vinh dự được Bộ Ngoại giao Ba Lan tặng kỷ niệm chương cho tác phẩm Tượng đài nhạc sĩ Chopin...
Có lẽ, lửa nghề và niềm đam mê cái mới, giữ cho mình một lối đi, một phong cách riêng đã thôi thúc, tạo động lực giúp nghệ nhân Nguyễn Văn Bình ở tuổi gần 70 nhưng vẫn hào hứng sáng tạo, khám phá, để từ đó giữ cho tình yêu của mình với nghệ thuật, với gốm luôn bền bỉ, trường tồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.