(HNMO) - Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội khẳng định, bệnh dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người, nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn.
Về nguyên tắc, tất cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản mắc bệnh đều phải tiêu hủy để tránh gây bệnh. Để bảo đảm an toàn, người dân nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi lẽ, vi rút ASFV gây bệnh dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.
Trước thực tế nhiều người dân "nói không" với thịt lợn trong bữa ăn hằng ngày do lo ngại về bệnh dịch tả lợn, bác sĩ Đỗ Thị Phương Hà, Viện Dinh dưỡng quốc gia, đưa ra lời khuyên, người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đó là nền tảng của sức khỏe và trí tuệ. Một bữa ăn cân đối cần bảo đảm đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...). Riêng nhóm chất đạm cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, bảo đảm cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật. Các loại thịt lợn, thịt bò… có nhiều sắt giúp phòng, chống thiếu máu, thiếu sắt và đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, phụ nữ tuổi sinh đẻ.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là vi rút ASFV, nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, các món ăn từ thịt lợn được nhiều người Việt yêu thích như: Nem chạo, nem sống, tiết canh, gỏi… không hề an toàn, vì chưa được nấu chín kỹ. Với những món ăn này có thể khiến con người nhiễm liên cầu khuẩn từ lợn, gây di chứng, tử vong cao. Thậm chí, dù ăn những món này được chế biến từ lợn được nuôi “cắp nách”, nuôi tại nhà... cũng vẫn có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn lợn, nếu không được nấu chín kỹ.
Để tránh mua phải thịt lợn nhiễm bệnh, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng nên lựa chọn, sử dụng thịt lợn sạch, có nguồn gốc, có dấu kiểm định, an toàn, chế biến hợp vệ sinh. Thịt lợn sạch thường có lớp bì dày, mỡ dày. Ngoài ra, thịt lợn sạch có màu hồng tươi, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao khi ấn xuống, thớ thịt đều, đường cắt mặt thịt khô ráo. Khi chế biến, thịt lợn sạch luộc lên nước trong, không váng bẩn. Khi rang miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Tuyệt đối không mua thịt có màu lạ như: Nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, nếu chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc đã mắc bệnh.
Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành số 5 kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi cho biết, thành phố đã thành lập 5 tổ công tác liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Hà Nội. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác ngăn chặn, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi của các quận, huyện, thị xã và hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch động vật. Ngoài ra, kiểm tra thực tế tại chợ kinh doanh thực phẩm hoặc cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn hoặc cơ sở kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm có nguồn gốc từ lợn. Từ ngày 13 đến 15-3, Tổ công tác liên ngành số 5 sẽ tiến hành kiểm tra các huyện, quận: Phúc Thọ, Đan Phượng, Ba Đình, Tây Hồ, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.