(HNM) - Tết Nguyên đán Bính Thân cận kề cũng là thời điểm các lực lượng chức năng liên tục ra quân kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP). Hầu như ngày nào các phương tiện thông tin đại chúng cũng đưa thông tin chỗ này, chỗ kia phát hiện, thu giữ thực phẩm
Nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên là: Nguồn nhân lực hạn chế nên kiểm tra "không xuể", mức xử phạt chưa đủ sức răn đe dẫn đến sự "nhờn luật"… Tuy nhiên, một góc độ quan trọng đang bị "bỏ qua", đó là trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở: Xã, phường, thị trấn - lực lượng nắm cơ sở - đang bị buông lỏng và không phát huy hết quyền năng.
Cách đây ít ngày, Cục ATTP (Bộ Y tế) phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo phục vụ tết Nguyên đán tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn phát hiện người sản xuất phơi nguyên liệu làm mứt Tết ngoài trời không bảo đảm vệ sinh. Cụ thể, hàng trăm cân bí và đu đủ đã qua sơ chế được phơi trên tấm bạt mỏng ngay sát mặt đất, bụi bẩn, đầy ruồi nhặng và gần khu vực vệ sinh công cộng. Chưa kể hệ thống xe đẩy, thùng chứa nguyên liệu cáu bẩn xếp tầng lớp…
Trực tiếp phụ trách đoàn kiểm tra, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong nhận định: Để xảy ra tình trạng năm nào kiểm tra ở Xuân Tảo cũng phát hiện vi phạm là do chính quyền cơ sở xử lý chưa triệt để. Luật cho phép phạt gấp 7 lần số hàng hóa vi phạm và sự việc tại phường Xuân Tảo không phải không đủ chế tài. Nhưng chính quyền sở tại chưa bao giờ xử phạt đối tượng vi phạm ở mức cao nhất là 200 triệu đồng nên các hành vi vi phạm tương tự cứ xảy ra…
Không phải đến khi sự việc tại làng làm mứt truyền thống ở Xuân Tảo mới "lộ" chuyện, bấy lâu nay mức xử phạt ở cấp cơ sở chưa đủ sức răn đe và ở góc độ nào đó còn dung dưỡng vi phạm. Mở rộng ra, chính các đơn vị chức năng có trách nhiệm quản lý lĩnh vực ATTP cũng cho rằng, có đơn vị đi thanh tra, biết những cơ sở chưa đủ giấy chứng nhận về vệ sinh mà vẫn cung cấp suất ăn công nghiệp... Thế nhưng chỉ... nhắc nhở. Nhắc nhở rồi bỏ đấy, không theo đến nơi đến chốn nên xảy ra ngộ độc. Những khu vực bán hóa chất phụ gia thực phẩm như ở chợ Kim Biên (TP Hồ Chí Minh), khu vực chợ Đồng Xuân (Hà Nội)… không được kiểm soát chặt chẽ đúng quy định với mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên vẫn mua bán tràn lan, công khai, nhức nhối.
Chúng ta cũng chưa có quy định cụ thể, khả thi trong việc xử lý những cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ nhưng làm không đến nơi đến chốn, dù đã có Luật Công chức, Luật Viên chức. Do vậy, đến nay cũng chưa thấy công chức, viên chức nào bị xử phạt do buông lỏng công tác quản lý. Rõ ràng, đây là một lỗ hổng cần phải sớm xử lý và một khi công tác quản lý không gắn với trách nhiệm cá nhân sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng… "hòa cả làng".
Tết đến cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, trong đó có mặt hàng thực phẩm không bảo đảm ATTP được dịp tung hoành. Trong khi chúng ta đang thiếu nguồn nhân lực làm công tác quản lý thì người tiêu dùng phải tham gia cùng với các cơ quan chức năng, một là tẩy chay sản phẩm không bảo đảm, hai là đấu tranh với các hành vi vi phạm, tố cáo đến cơ quan chức năng.
Một điều tra xã hội học, có câu hỏi đặt ra là tại sao khi phát hiện ra các hành vi vi phạm mà lại không đấu tranh thì 85% trả lời là ngại va chạm. Sợ tố giác sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Điều đó cho thấy, để cộng đồng được sử dụng thực phẩm an toàn còn nhiều gian nan và sẽ không thành công nếu như người tiêu dùng thiếu hợp tác ở mức cao nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.