(HNM) - Chiếc máy bay chở 107 người tị nạn Syria, trong đó có 40 phụ nữ và 35 trẻ em cất cánh từ thủ đô Beirut của Lebanon ngày 11-9 vừa qua đã đến Hannover (Đức) an toàn.
Đây là những người tị nạn Syria đầu tiên có mặt tại Đức trong khuôn khổ chương trình mang tên "Chương trình tiếp nhận nhân đạo" do Chính phủ Đức thực hiện nhằm hỗ trợ người dân Syria tái hòa nhập cộng đồng ở Đức. Thế nhưng không phải ai cũng có cơ hội may mắn như vậy khi các số liệu thống kê cho thấy, khoảng 2 triệu người Syria đã phải tha phương, gần 100 nghìn người thiệt mạng sau gần 3 năm bất ổn tại quốc gia Trung Đông này.
Những người tị nạn Syria đầu tiên đến Đức (Ảnh DPA) |
Trong những ngày qua, khi các nỗ lực ngoại giao con thoi để kiếm tìm một giải pháp hòa bình cho Syria đang liên tiếp diễn ra thì những dòng người lũ lượt xếp hàng tại các cửa khẩu biên giới để chạy trốn chiến tranh và nội chiến vẫn không ngơi nghỉ. Jordan là một trong những quốc gia láng giềng phải chịu nhiều hệ lụy không mong muốn khi số người tị nạn Syria chạy sang lánh nạn ngày một đông với khoảng 600.000 người, khiến dân số nước này tăng thêm 10%. Ghi nhận của báo chí địa phương cho thấy, nhiều người tị nạn đang phải sống trong những chiếc lều khổng lồ trong sa mạc của Jordan. Một số đã chuyển vào ở tại các thành phố. Song, làn sóng tị nạn ngày một lớn từ quốc gia láng giềng đang trở thành gánh nặng lên nền kinh tế Jordan, làm đảo lộn cuộc sống của người dân địa phương.
Cùng với Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được xem là một trong những điểm đến của người tị nạn Syria khốn khổ. Theo số liệu thống kê hiện có khoảng gần 500.000 người Syria đang tạm trú ở Thổ Nhĩ Kỳ. Trước thực trạng đáng báo động đó, Ankara không ngừng đẩy mạnh các hoạt động tăng cường an ninh tại khu vực biên giới với Syria nhằm kiểm soát dòng người tiếp tục đổ dồn về nước này. Theo dự báo mới nhất của Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), số người Syria phải rời bỏ quê hương có thể lên đến 3,5 triệu người vào cuối năm nay. Trong đó, 4 quốc gia láng giềng gồm Lebanon, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ là những địa điểm di cư phổ biến nhất.
Trước làn sóng tị nạn ngày một gia tăng, báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, gần 2 triệu trẻ em Syria - tương đương 40% số trẻ ở độ tuổi đến trường - không được đi học do xung đột xảy ra hơn hai năm qua tại nước này. Kết quả đó là phù hợp với thống kê cho thấy tại Syria có tới 3.000 ngôi trường bị phá hủy hoặc hư hại nặng, trong khi gần 900 ngôi trường bị trưng dụng làm nơi trú ngụ cho những người mất nhà cửa do xung đột. Theo báo cáo trên, khoảng 1 triệu trẻ em Syria buộc phải tị nạn sang các nước láng giềng cùng gia đình và hầu như không có cơ hội tiếp cận với giáo dục.
Trở về sau chuyến thị sát hai ngày để đánh giá tình hình thực tế về cuộc sống của người tị nạn Syria, bà Valerie Amos - một quan chức của Liên hợp quốc phụ trách vấn đề nhân đạo cho rằng, cộng đồng quốc tế cần làm nhiều hơn nữa để giúp giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tại Syria. Để hỗ trợ khoảng 7 triệu người dân Syria bị ảnh hưởng bởi xung đột bạo lực, bà Valerie Amos đã từng đệ trình một bản kiến nghị gồm 30 điểm lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bản kiến nghị nhấn mạnh đến việc hỗ trợ xuyên biên giới, thiết lập những lệnh ngừng bắn tạm thời để các xe cứu trợ có thể đến được những vùng có người tị nạn và tạo điều kiện để các nhân viên cứu trợ thực hiện hoạt động của mình… Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế. Việc tránh những thảm kịch đối với người tị nạn cũng như tác động của nó tới sự ổn định các quốc gia trong khu vực chỉ được giải quyết bằng cách thức duy nhất, đó là hòa bình thực sự tại Syria.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.