Trái tim nhân ái

Người thầm lặng “kết nối” liệt sĩ với gia đình

Mai Hoa 27/07/2024 - 14:21

Sắc sảo, tháo vát, nhanh nhẹn, ít ai ngờ nữ cựu quân nhân làm tình nguyện viên hỗ trợ gia đình liệt sĩ Nguyễn Hương Giang nay đã bước sang tuổi 67.

Không nề hà khó khăn, vất vả, nhiều năm qua, Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang đã tích cực kết nối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong việc xác minh danh tính, đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương, góp phần hiệu quả trong công tác đền ơn, đáp nghĩa.

ban-giao-hai-cot(1).jpg
Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang có sự hỗ trợ không nhỏ trong hành trình xác minh thông tin, bàn giao hài cốt liệt sĩ Trần Văn Sửu về an táng tại quê nhà.

Từ câu chuyện của một gia đình liệt sĩ

Trong số những trường hợp gia đình liệt sĩ được Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang hỗ trợ, không thể không kể đến trường hợp của gia đình liệt sĩ Trần Văn Sửu.

Sinh ra và lớn lên ở xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội, Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng Trần Văn Sửu đã gia nhập quân đội, chiến đấu anh dũng và hy sinh ngày 19-2-1975. Đồng đội đã chôn cất liệt sĩ Trần Văn Sửu tại chiến trường.

Sau ngày đất nước thống nhất, hài cốt liệt sĩ được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2018, gia đình tìm được thông tin, mong mỏi đưa hài cốt liệt sĩ Trần Văn Sửu về quê nhà để tiện chăm sóc mộ phần. Tuy nhiên, phần vì hoàn cảnh khó khăn, trong khi đó, việc này đòi hỏi rất lớn cả về chi phí và thời gian, thủ tục, tâm sức, phần vì thông tin về ngày hy sinh của liệt sĩ trên bia mộ không khớp với giấy báo tử, nên gia đình loay hoay không biết làm sao.

Tình cờ nắm được thông tin về một nữ cựu quân nhân hay làm tình nguyện viên hỗ trợ gia đình liệt sĩ, gia đình liệt sĩ Trần Văn Sửu đã tìm đến, đó là Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang.

Ông Nguyễn Văn Trụ, anh họ liệt sĩ Trần Văn Sửu cho biết: “Bà Giang từng giúp gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hòe ở quê tôi đính chính thông tin, xác minh danh tính liệt sĩ, thông qua việc kết nối và phối hợp với các cấp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, đưa hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hòe từ Bình Phước về chôn cất tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Tự Nhiên. Tìm đến nhờ cậy, chúng tôi may mắn được bà Giang hỗ trợ kết nối, bỏ rất nhiều tâm sức, thời gian, vượt qua rất nhiều khó khăn mới làm được đủ các giấy tờ, thủ tục liên quan”.

Đặc biệt, theo ông Trần Văn Mậu - anh trai liệt sĩ Trần Văn Sửu, nhờ sự hỗ trợ, đồng hành của bà Nguyễn Hương Giang trong việc nắm bắt, kết nối thông tin với các cấp Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, trường hợp liệt sĩ Trần Văn Sửu đã trở thành trường hợp đầu tiên trong Chương trình phối hợp giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam về việc vận chuyển hài cốt liệt sĩ và miễn vé cho thân nhân liệt sĩ đi cùng bằng đường sắt.

ben-to-quoc(1).jpg
Nữ cựu quân nhân cùng đại diện lãnh đạo Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, thân nhân liệt sĩ Trần Văn Sửu tại Lễ đón nhận và an táng liệt sĩ Trần Văn Sửu. Ảnh: Mai Hoa

“Sau gần 50 năm, hài cốt liệt sĩ Trần Văn Sửu được đưa về chôn cất tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà vào năm 2024, thuận tiện cho các con cháu hương khói, chăm sóc mộ phần. Gia đình chúng tôi rất khó khăn, nếu không có sự hỗ trợ nhiệt tình của một người có bản lĩnh, có tâm, có tình đối với liệt sĩ và gia đình của liệt sĩ như bà Giang - hỗ trợ cả về quá trình đi lại, di chuyển từ Bắc vào Nam và ngược lại, đồng thời, kết nối nguồn lực hỗ trợ đi lại, ăn ở tại thành phố Hồ Chí Minh - không biết bao giờ chúng tôi mới thực hiện được nguyện vọng này” - ông Trần Văn Mậu chia sẻ.

Đến hành trình hỗ trợ nhiều gia đình liệt sĩ

Không những vậy, tình nguyện viên Nguyễn Hương Giang còn hỗ trợ nhiều trường hợp vợ liệt sĩ tái giá đủ điều kiện làm thủ tục hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế, cũng như nhiều trường hợp thân nhân liệt sĩ cần phải đi xác minh giấy tờ để hưởng chế độ ưu đãi người có công do giấy tờ bị thất lạc.

Bà Hương Giang chia sẻ: “Các bà, các mẹ mà tôi giúp đều từ 70 tuổi trở lên, người lớn tuổi nhất sinh năm 1937, không quen làm các thủ tục hành chính, đi lại cũng không thuận tiện. Tôi từng là văn công trong quân ngũ, nhiều năm tham gia làm tình nguyện viên, gắn bó với mạng lưới cựu quân nhân trong Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ, nên có điều kiện hỗ trợ ai là tôi giúp. Bởi tôi nghĩ đơn giản, có cơ hội hỗ trợ người thân của liệt sĩ là điều may mắn. Đầu tư công sức, thời gian làm việc nghĩa là điều rất xứng đáng”.

kinh-can(1).jpg
Kính cẩn thực hiện nghi thức tưởng niệm liệt sĩ. Ảnh: Mai Hoa

Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang sinh năm 1957, vào quân ngũ năm 1975, từng làm văn công của Bộ Tư lệnh Công binh, gắn bó với quân ngũ 5 năm trước khi về làm kế toán tại Phòng Tài chính huyện Thanh Oai (Hà Nội). Hiện nay, nữ tình nguyện viên hỗ trợ gia đình liệt sĩ này đang ở thôn Vũ Lăng, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Nữ cựu quân nhân vui vẻ cho biết: “Chồng tôi sinh năm 1956, là Hội trưởng Hội Cựu chiến binh của thôn. Hai vợ chồng, mỗi người mỗi việc, đều góp phần vào việc chung của thôn làng, cộng đồng xã hội. Việc hỗ trợ gia đình liệt sĩ, nhất là việc liên quan đến xác minh thông tin, làm thủ tục giấy tờ mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí. Nhưng tôi không ngại, vì luôn có sự chung tay của đồng đội là các cựu chiến binh, tình nguyện viên, thành viên Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ các cấp. Chừng nào còn sức, còn hỗ trợ được mọi người, tôi luôn sẵn sàng”.

Niềm vui lớn của Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang trong hành trình thực hiện công việc đền ơn, đáp nghĩa, đó là cuộc sống gia đình luôn đầm ấm, sẻ chia. “Các con cháu đều ủng hộ bố mẹ tham gia công tác xã hội. Nhờ anh linh các Anh hùng liệt sĩ phù hộ, các con tôi đều ổn định công việc, các cháu thì ngoan ngoãn, khỏe mạnh”, bà Giang nói.

Sự gắn bó, thân thiết giữa thượng sĩ Nguyễn Hương Giang, đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và đại diện gia đình liệt sĩ Trần Văn Sửu (ảnh: Mai Hoa
Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang (giữa) và đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, gia đình liệt sĩ Trần Văn Sửu. Ảnh: Mai Hoa

Khi được hỏi điều gì khiến bà gắn bó với công việc thầm lặng mà thiêng liêng này suốt bao năm qua, Thượng sĩ Nguyễn Hương Giang bộc bạch: “Những ai từng trải qua những năm tháng chiến tranh, sẽ thấy việc hỗ trợ đồng đội, thực hiện trách nhiệm người sống đưa người chết trở về, việc thay các Anh hùng liệt sĩ thực hiện công tác chăm lo cho các mẹ, vợ, các con của liệt sĩ là công việc tự thân. Bản thân tôi từng hát cho thương binh nghe trong những lán trại dã chiến, chứng kiến bao mất mát, hy sinh trong chiến tranh, nay chỉ mong có sức khỏe dồi dào, để giúp được càng nhiều người, càng tốt. Hạnh phúc nhất với tôi, đó là mỗi lần đưa được hài cốt liệt sĩ về với gia đình các anh, được chứng kiến chính quyền địa phương, người thân đón các anh bằng niềm thành kính, sự trân trọng, nỗi xúc động, mừng tủi khôn nguôi…”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người thầm lặng “kết nối” liệt sĩ với gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.