Việc thực hiện lấy mẫu ADN liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ để giám định, lưu trữ trong Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ được coi là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.
TS. Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới để làm rõ nội dung này.
- Là người tham gia thực hiện giám định ADN hài cốt liệt sĩ, ông có thể chia sẻ cảm nhận về ý nghĩa của sự kiện ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ?
- Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập, khoảng 300 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính. Nói cách khác, công tác tìm kiếm quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin có khối lượng công việc rất lớn, và ngày càng khó khăn. Chính vì vậy, sự kiện này là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng. Đây là việc cần phải làm bằng trọn vẹn tấm lòng tri ân liệt sĩ.
- Thời gian qua, công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ gặp những khó khăn gì trong quá trình triển khai, thưa ông?
- Với các mộ liệt sĩ từ thời kháng chiến chống Pháp, tính ra đã gần 80 năm, rất khó tìm kiếm được mẫu phẩm để giám định ADN bảo đảm chất lượng. Thêm nữa, việc chôn cất trong thời chiến khó đạt quy chuẩn, cũng như tác động của khí hậu nhiệt đới, nhiệt đới gió mùa gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mẫu phẩm ADN…
Dù công nghệ giám định gen (ADN) ngày càng hiện đại, nhưng tình trạng mẫu phẩm ngày càng giảm chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giám định. Vì vậy, cần tính toán phương án thu thập, bảo quản mẫu phẩm hài cốt liệt sĩ sao cho thật tốt. Đồng thời, trong bối cảnh cựu chiến binh tuổi ngày càng cao, trí nhớ giảm, phải tranh thủ khai thác thông tin, kết hợp phương pháp thực chứng trong việc xác định đơn vị, khu vực chiến đấu, từ đó, có cơ sở để khoanh vùng.
Một cái khó nữa, đó là những người có năng lực làm giám định ở Việt Nam hiện nay không nhiều, khối lượng mẫu thực hiện còn giới hạn. Đơn cử như đơn vị chúng tôi, dù đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại, mỗi tháng cũng chỉ làm được vài trăm mẫu. Vài năm gần đây, do vướng về định mức, đơn giá nên công tác giám định ADN đang thiên về nghiên cứu, phát triển công nghệ là chính.
- Trong quá trình thực hiện giám định, có những câu chuyện nào thực sự ấn tượng, để những người cán bộ làm giám định thấy rõ hơn ý nghĩa của việc mình đã và đang làm?
- Tỷ lệ những trường hợp giám định mẫu phẩm ADN ra được kết quả khớp với thân nhân không nhiều, nên mỗi trường hợp đối khớp thành công đều mang những câu chuyện đáng nhớ. Đơn cử trường hợp mẫu phẩm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Đới (Thái Bình), được thực hiện giám định ADN tại đơn vị chúng tôi, phải làm đi làm lại, lấy mẫu nhiều lần trong hàng chục năm trời mà không thể ra được kết quả vì mẫu phẩm không bảo đảm chất lượng. Sau, với sự phát triển của công nghệ mới, cùng sự quyết tâm, kiên nhẫn của cả gia đình liệt sĩ và cán bộ Trung tâm, việc đối khớp đã đạt được thành công.
-Để việc xây dựng Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ thực sự hiệu quả, từ thực tiễn công việc, theo ông, cần chú ý những bước đi cụ thể như thế nào trong thời gian tới?
- Thời gian qua, Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) được thực hiện đã có nhiều kết quả. Trong đó, phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên nền tảng của các đơn vị đã lưu trữ được hơn 25 nghìn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân hiện nay thì việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình.
Con số hài cốt liệt sĩ cần được xác định danh tính rất lớn, vì vậy, cùng với việc xây dựng Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ giám định ADN, cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phân tích mẫu, nâng tỷ lệ xét nghiệm mẫu ra kết quả. Với đơn vị chúng tôi, mỗi năm, chúng tôi có khả năng phân tích thành công 4.000 mẫu. Nếu có thêm chừng 10 trung tâm thực hiện nhiệm vụ tương tự như đơn vị chúng tôi, số lượng mẫu được thực hiện đối khớp có thể đạt 40.000 mẫu. Như vậy, việc giải quyết con số 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính có thể hoàn thành trong thời gian không quá lâu.
Ngoài ra, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, cần thận trọng, nghiêm túc, kết hợp áp dụng công nghệ mới. Một việc quan trọng, đó là chúng ta phải có phương án để lấy mẫu, bảo quản các mẫu phẩm ADN hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính nhưng đã được quy tập ở trong các nghĩa trang, để hễ có cơ hội là có thể đối khớp với người thân. Trong đó, nên ưu tiên lấy trước đối với mẫu thân nhân liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, do đã gần 80 năm rồi…
- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.