Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên ngày 1/9 đã trả lời một số vấn đề mà báo chí và dư luận quan tâm.
1. Về việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ, xin cho biết đánh giá của Chính phủ về tác động và chỉ đạo chính sách tiền tệ, hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế?
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên - Người Phát ngôn của Chính phủ trả lời một số vấn đề báo chí và dư luận quan tâm. (Ảnh: Quang Hiếu/vpcp.chinhphu.vn) |
Trả lời:
Việc Trung Quốc điều chỉnh giảm mạnh giá đồng Nhân dân tệ đã tác động đến thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, khu vực và Việt Nam. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động điều chỉnh kịp thời và với cách thức phù hợp khi tăng biên độ tỉ giá giữa đồng Việt Nam và USD, có tính tới các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại, đầu tư... và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực và trong nước, đánh giá tác động đến từng lĩnh vực, nhất là các thị trường ngoại tệ, chứng khoán, thị trường vàng, xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, ngân sách nhà nước, nợ công, nợ nước ngoài, sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế; thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường phối hợp, có đối sách phù hợp, tận dụng tác động tích cực, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ và các Bộ, ngành để đánh giá những biến động giảm mạnh của giá dầu thế giới, diễn biến bất thường của các thị trường chứng khoán, những điều chỉnh của dòng vốn quốc tế sau khi Trung Quốc giảm giá đồng Nhân dân tệ và việc điều chỉnh chính sách tỉ giá của nhiều nước trên thế giới, để đưa ra các đối sách phù hợp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành kiên định các mục tiêu điều hành đã đề ra, trong đó lấy ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu cao nhất; theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, khu vực; có phương án cho các kịch bản có thể xảy ra, kể cả trường hợp xấu nhất; chủ động thông tin tình hình, dự báo và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp biết, ứng phó phù hợp.
2. Việc giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách. Xin cho biết Chính phủ đã có phương án gì để bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách trong thời gian tới?
Trả lời:
Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu nội địa và xuất nhập khẩu để bù cho số giảm thu từ dầu thô.
Đến hết tháng 8/2015 tổng thu ngân sách nhà nước đạt 67,8% dự toán cả năm, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014; trong đó, thu nội địa đạt 71,9%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 62,3%; riêng thu dầu thô mới chỉ đạt 50,7% dự toán. Các Bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.
3. Việc bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của Hội đồng tiền lương Quốc gia chưa thành công do đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) không đồng thuận. Xin Người Phát ngôn cho biết ý kiến về việc này?
Trả lời:
Khoản 2 Điều 91 Bộ luật Lao động quy định: “Căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động, Chính phủ công bố mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia”.
Ngày 03 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng tiền lương Quốc gia, gồm 15 thành viên là đại diện của 3 bên: (1) Đại diện cho người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; (2) Đại diện cho người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da giày Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ; (3) Đại diện cho Chính phủ là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Hàng năm, Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu vùng để khuyến nghị Chính phủ xem xét, quyết định.
Qua 2 năm thực hiện cho thấy, để đạt được sự thống nhất tương đối về mức lương tối thiểu khuyến nghị Chính phủ thì Hội đồng tiền lương Quốc gia thường phải thương lượng nhiều lần (năm 2014 là 3 lần) và trong từng lần mỗi bên đều có phân tích, tính toán mức lương tối thiểu dựa trên các yếu tố có lợi hơn cho bên mình đại diện nên kết quả thường có sự chênh lệch.
Hiện nay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chưa đồng thuận về mức lương tối thiểu. Theo quy định, Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ tiếp tục thảo luận, thương lượng một lần nữa. Trường hợp vẫn chưa đạt được sự đồng thuận thì Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia sẽ chọn phương án phù hợp để báo cáo Chính phủ.
Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương Quốc gia, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng năm 2016.
4. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị Chính phủ tạm dừng thu phí xe máy từ 01/01/2016 và sửa đổi nghị định theo hướng bỏ quy định thu phí xe máy. Xin Người Phát ngôn Chính phủ cho biết Chính phủ có bàn về vấn đề này tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 hay không?
Trả lời:
Ngày 3/8/2015, Bộ Giao thông vận tải có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tạm dừng việc thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện đối với xe mô tô kể từ ngày 01/01/2016; đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép sửa đổi Nghị định số 18/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.
Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi lấy ý kiến các Bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, Văn phòng Chính phủ mới nhận được ý kiến của Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến của các Bộ, cơ quan có liên quan và dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa nội dung này vào chương trình phiên họp Chính phủ tháng 9/2015.
5. Một số ý kiến cho rằng, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và xét tuyển Đại học, Cao đẳng đã giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, kỳ thi vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là khâu xét tuyển. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm làm giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.
Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập của tuyển sinh đại học đợt 1 và kịp thời điều chỉnh trong tuyển sinh đợt 2, cụ thể thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng sẽ ngắn lại. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn diện về việc tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh của các trường Đại học, Cao đẳng năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
6. Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì những sai phạm, xin cho biết quan điểm xử lý đối với trường hợp này?
Trả lời:
Việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
Ngày 14/8/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8/2015, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á. Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
7. Tại Hội nghị trực tuyến tháng 6 năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,2% thì phải khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, giá dầu giảm sâu vừa qua làm giá trị xuất khẩu giảm trên 50% nên có ý kiến cho rằng không nên khai thác vượt chỉ tiêu trên. Xin cho biết quan điểm của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này?
Trả lời:
Từ đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ liên quan và Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) lập Kế hoạch khai thác dầu thô ứng phó với các phương án giá dầu giảm, thậm chí có cả phương án xấu nhất là giá dầu xuống dưới 40 USD/thùng; rà soát kỹ, áp dụng các biện pháp giảm tối đa chi phí; trên cơ sở chi phí sản xuất trung bình của từng mỏ đang khai thác để tối ưu hóa Kế hoạch sản lượng khai thác, góp phần bảo đảm cho tăng trưởng GDP năm 2015.
Thực tế, giá thành sản xuất trung bình 01 thùng dầu thô của Việt Nam đang thấp hơn so với giá bán trung bình thời điểm hiện nay (giá bán dầu thô của Việt Nam khoảng 53 USD/thùng).
Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2015, thực trạng các mỏ dầu khí đang khai thác và sau khi rà soát, cân đối tất cả các yếu tố liên quan, PVN phấn đấu đạt sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2015 là 15,74 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao (14,74 triệu tấn), tương đương mức tăng 7%. Đây là sự chủ động của ngành dầu khí để góp phần thực hiện các mục tiêu của cả nước về kinh tế, không phải là do thời gian qua giá dầu thô giảm quá sâu nên phải tăng khai thác để bù thiếu hụt về tài chính.
Trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, việc tăng sản lượng khai thác đóng góp không nhiều vào thu ngân sách, trong khi đó, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tới an toàn của các mỏ và khả năng khai thác lâu dài.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến Kế hoạch khai thác dầu thô để có được phương án khai thác tối ưu, bảo đảm an toàn mỏ; chỉ đạo điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá dầu thô. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu, tăng thu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015.
8. Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa thu, một số chuyên gia bày tỏ quan ngại và nhận xét rằng Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại tự do nhưng quản trị doanh nghiệp và thể chế, điều hành quốc gia của Nhà nước còn chậm đổi mới nên khả năng nắm bắt, khai thác cơ hội từ hội nhập còn thấp. Xin Người Phát ngôn Chính phủ cho biết ý kiến về nhận xét này?
Trả lời:
Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là chủ động hội nhập quốc tế, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác tối đa những cơ hội thuận lợi, hạn chế thấp nhất các tác động tiêu cực của quá trình hội nhập quốc tế. Đến nay nước ta đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang tiếp tục đàm phán 05 FTA khác.
Thực hiện chủ trương này, Chính phủ đã tập trung hoàn thiện thể chế, quyết liệt triển khai 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Cùng với các nỗ lực của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động đổi mới quản trị, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi sản xuất của khu vực và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu. Sau khi các FTA có hiệu lực, các hoạt động đầu tư, kinh doanh đều đạt mức tăng trưởng rõ rệt.
Cụ thể là, xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc sau khi có FTA (mới chỉ tính FTA Hàn Quốc đã kí với ASEAN trong đó có Việt Nam; chưa tính FTA song phương sẽ có hiệu lực tháng 01/2016) tăng bình quân 38%/năm (trước FTA là 16%/năm); vào Nhật Bản tăng 28%/năm (trước FTA là 26%/năm); vào Hoa Kỳ cũng đã vươn lên đứng đầu các nước ASEAN sau hơn 10 năm thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)...
Tuy nhiên, những kết quả này còn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Thời gian tới Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp cần nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.