(HNM) - Với 96% số phiếu được kiểm công bố ngày 6-6, ứng cử viên Ollanta Humala thuộc đảng Dân tộc xem như đã giành chiến thắng ngoạn mục trong cuộc bầu cử vòng II - bầu Tổng thống Peru nhiệm kỳ 2011-2016, với tỷ lệ phiếu bầu 51,5%, cao hơn so với 48,5% của đối thủ Keiko Fujimori.
Cựu quân nhân O.Humala đã đảo ngược các cuộc thăm dò dư luận tại Peru hồi cuối tháng 5 vừa qua khi ứng cử viên Keiko Fujimori thuộc liên minh "Sức mạnh 2011" đạt tới 50,5% số người ủng hộ, trong khi nhà hoạt động cánh tả O.Humala chỉ là 49,5%. Vì thế, cuộc bầu cử Tổng thống Peru năm nay được xem là khó dự đoán nhất trong nhiều thập niên qua tại quốc gia Nam Mỹ giàu tài nguyên này.
Tổng thống đắc cử Peru O.Humala và vợ mừng chiến thắng tại Lima. |
Năm nay 48 tuổi, Tổng thống đắc cử O.Humala là một chính khách giàu kinh nghiệm, từng thực hiện cuộc "nổi dậy" lật đổ Tổng thống Alberto Fujimori vào năm 2000, buộc ông này phải trốn về quê nhà Nhật Bản và sau đó lãnh án tù tại Peru. Là người theo chủ nghĩa dân tộc, O.Humala còn là một nhà cánh tả nổi tiếng, có quan hệ hữu hảo với các lãnh đạo thiên tả khu vực như Evo Morales (Bolivia), Nestor Kirchner (Argentina) và Lula da Silva (Brazil) và Tổng thống Venezuela Hugo Chavez.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Peru vừa qua, ông O.Humala cam kết sẽ cân bằng ngân sách, trọng dụng các nhà kỹ trị kinh nghiệm, coi trọng các nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời giúp người nghèo đang chiếm khoảng 1/3 dân số đất nước được hưởng lợi nhiều hơn từ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, đấu tranh chống tham nhũng và chấm dứt xung đột trong các hoạt động khai khoáng và khai thác dầu mỏ. Các cam kết của ứng cử viên O.Humala đã khiến giới trung lưu và thượng lưu Peru e dè nhưng lại nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của tầng lớp dân nghèo.
Trong khi đó, với cam kết theo đuổi chính sách thị trường tự do mà Peru đã thực hiện suốt hai thập kỷ qua, ứng viên Keiko Fujimori - người đã thất bại trước đối thủ O.Humala lại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của giới doanh nhân và tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, thất bại của bà K.Fujimori là dễ hiểu. Keiko Fujimori năm nay 36 tuổi (sinh năm 1975), là con cựu Tổng thống Peru Alberto Fujimori bị Tòa án tối cao Peru tuyên án tù 25 năm vào năm 2008 với cáo buộc tham nhũng và một số tội danh khác. Đây chính là điều khiến không ít cử tri ngần ngại và đã từ chối bà K.Fujimori.
Thành công của ứng cử viên O.Humala đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của đảng cánh tả tại Peru từ năm 1975 và là chiến thắng mới nhất của cánh tả tại Mỹ Latin. Thực tế, từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước, lực lượng cánh tả Mỹ Latin đã liên tiếp giành thắng lợi trong nhiều cuộc bầu cử và lên nắm quyền ở một loạt nước trong khu vực như Venezuela, Chile, Brazil, Argentina, Uruguay, Bolivia, Ecuador, Panama, Costa Rica, Nicaragoa và giờ đây là Peru. Các nhà lãnh đạo cánh tả Mỹ Latin đã tích cực triển khai nhiều cải cách chính trị, kinh tế, xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất công và xây dựng một xã hội dân chủ, tiến bộ. Vì vậy Peru - quốc gia có tới 40% dân số đang sống dưới mức nghèo khổ - đã quyết định lựa chọn con đường mới nhằm thay đổi cuộc sống của chính họ.
Trong khi đó, các nhà phân tích nhận định, Tổng thống đắc cử O.Humala sẽ gặp không ít thách thức do sự phân hóa giàu nghèo tại Peru rất lớn. Những khác biệt này dường như càng rõ nét hơn sau cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, đặc biệt là giữa người dân ở thủ đô và cư dân ở tỉnh lẻ. Vì vậy, một trong những thách thức đầu tiên mà ông O.Humala phải giải quyết là sự hòa hợp giữa những người Peru.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Alan Garcia, nền kinh tế Peru phát triển ổn định và duy trì ở mức khá cao (khoảng 7%/năm). Sẽ là khôn ngoan nếu Tổng thống đắc cử O.Humala tiếp tục kế thừa tình trạng kinh tế khá ổn định và đẩy nhanh nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) lên gần con số 10% như dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB); đồng thời giữ vững ổn định về an ninh, chính trị trong nước. Đây là điều mà người dân Peru mong muốn nhất hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.