(HNMO) - Ngày 30/7, VietnamWorks công bố kết quả khảo sát “Quan điểm về cộng đồng kinh tế ASEAN” dựa trên ý kiến của 2.500 người lao động thuộc các cấp bậc và quy mô công ty khác nhau tại Việt Nam.
Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành của VietnamWorks cho biết: “Hơn 90% người lao động được khảo sát cho biết việc Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN là điều hoàn toàn có lợi cho người lao động tại Việt Nam. Theo kết quả khảo sát, thứ nhất, người lao động Việt kỳ vọng sẽ học hỏi được nhiều từ các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam. Thứ hai, họ cũng kỳ vọng văn hóa làm việc quốc tế sẽ thay đổi văn hóa làm việc nội địa theo hướng tốt hơn. Với những quan điểm khá rõ ràng này của một lực lượng lao động trẻ tại Việt Nam, tôi tin rằng nguồn nhân lực Việt Nam sẽ đạt được những tiến bộ rõ rệt khi chính thức hội nhập vào ASEAN qua cộng đồng kinh tế ASEAN”.
Về mặt tương quan cung-cầu nhân lực, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search cho biết trong số 8 ngành nghề được tự do lưu chuyển trong AEC, thị trường trong nước có thể đáp ứng được như các vị trí kế toán thông thường, kỹ sư sản xuất nhưng đối với kỹ sư chất lượng cao, đặc biệt trong ngành công nghệ thông tin thì lại đang rất thiếu”.
Thực tế, trong số những người cho rằng việc gia nhập AEC không có lợi, có đến 84% nghĩ rằng bất lợi lớn nhất là “nhiều đối thủ cạnh tranh hơn trên thị trường lao động Việt Nam và họ đều thông thạo tiếng Anh”. Bất lợi được nhiều người tán thành thứ hai là “Vì có nhiều lựa chọn ứng viên hơn, nhà tuyển dụng và doanh nghiệp có thể giảm mặt bằng lương bổng”. Kết quả này cho thấy một nhóm nhỏ người lao động Việt Nam đang thiếu tự tin về khả năng ngoại ngữ cũng như khả năng đàm phán công bằng về lương bổng với nhà tuyển dụng. Sự thiếu tự tin này càng thể hiện rõ khi có đến 69% trong nhóm này cho rằng người lao động Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với nhân lực nước ngoài một khi Việt Nam gia nhập AEC.
Bên cạnh đó, cả hai nhóm người lao động (nhóm lạc quan và bi quan về việc gia nhập AEC) đều cho rằng có 3 kỹ năng quan trọng nhất mà người lao động Việt Nam cần trang bị và phát triển để sẵn sàng cho cộng đồng kinh tế ASEAN. Kỹ năng ngoại ngữ được 89% số người khảo sát đánh giá là quan trọng nhất. Hai kỹ năng quan trọng tiếp theo là kỹ năng giao tiếp (62% chọn) và kỹ năng xây dựng lãnh đạo / quản lý (34% chọn). Nhìn chung, có thể thấy người lao động Việt Nam xem ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất trong việc cạnh tranh với nhân lực nước ngoài trong cộng đồng kinh tế ASEAN. Nhận định này rất đúng đắn khi có đến 41% vị trí đăng tuyển trên VietnamWorks.com trong năm vừa qua ưu tiên cho các hồ sơ được viết bằng tiếng Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.