Với ý tưởng “Đình làng Việt” trên facebook để mọi người cùng đam mê trao đổi. Tưởng chừng đó chỉ là một thế giới ảo nhưng nó đã hóa thật, đã cứu được không ít ngôi đình làng có giá trị lịch sử, nghệ thuật đặc biệt.
Sau một lần được giao nhiệm vụ đạc họa các ngôi đình làng cổ trong dự án của nước ngoài, nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Nguyễn Đức Bình ngay lập tức “phải lòng” đình làng Việt. Vì thế, tim ông như quặn thắt khi chứng kiến những ngôi đình làng cổ bị con người, thiên nhiên tàn phá không thương tiếc. Trong một ngày, ông nảy ra ý tưởng lập nhóm “Đình làng Việt” trên facebook để mọi người cùng đam mê trao đổi, cùng “cứu” những giá trị đặc sắc đang “chết dần” ấy. Tưởng chừng đó chỉ là một thế giới ảo nhưng nó đã hóa thật, đã cứu được không ít ngôi đình làng có giá trị lịch sử, nghệ thuật đặc biệt.
"Trưởng thôn" lo việc thiên hạ
Mới thành lập chưa đầy 2 năm nhưng nhóm “Đình làng Việt” đã thu hút hơn 5.000 người tham gia, từng đó để thấy còn rất nhiều người quan tâm đến những nét văn hóa cổ đặc sắc của Việt Nam đang ngày càng mai một. Nó không chỉ dừng lại ở một trang facebook thông thường mà còn là nơi trao đổi chủ đề liên quan đến đình làng, là nơi các thành viên đăng tải hình ảnh, niềm tự hào của quê hương mình.
Họ bình luận về nghệ thuật điêu khắc, tìm hiểu về niên đại… nhưng trên tất cả vẫn là kêu cứu. Hàng loạt những ngôi đình được họ cứu như: đình Cổ Chế (xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), đình Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), hay phát hiện những sai phạm trong quá trình trùng tu của chùa Quang Húc (Ba Vì, Hà Nội)…
Một lần đi dã ngoại của nhóm "Đình làng Việt". |
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình nói đầy hào hứng: “Tôi lúc nào cũng tự hào mình là người nghiên cứu mỹ thuật cổ, nghiên cứu khá nhiều về hình tượng người trên trang trí kiến trúc đình làng thế kỷ 17. Vì vậy tôi cứ nghĩ những ngôi đình làng cổ đẹp ở miền Bắc này tôi biết hết. Thật là sai, từ khi lập nhóm “Đình làng Việt” mới thấy, còn rất nhiều giá trị nữa vẫn tiềm ẩn mà những nhà nghiên cứu như tôi, thậm chí cả thầy của tôi vẫn chưa với tay tới được”.
Có trò chuyện với ông mới thấy được ông yêu đình làng đến thế nào. Ông có thể ngồi cả buổi kể hết các đình làng ở phía Bắc, nói tỉ mỉ từng họa tiết, hoa văn trên những bức cốn, những thanh xà. Ông mê đắm đình làng Việt như cuộc sống của mình vậy. Chẳng thế mà mỗi khi thấy một ngôi đình làng đẹp, ông thơ thẩn cả ngày cả buổi, để chụp, để vẽ… và rồi khi chứng kiến những ngôi đình làng xuống cấp, bị người ta trùng tu không đúng, tim ông như quặn thắt.
Chẳng biết từ khi nào ông coi việc “cứu” đình làng là nhiệm vụ của mình. Thế là người ta đặt cho ông Bình cái tên “Người vác tù và hàng tổng”. Hễ nghe đâu có chuyện liên quan đến đình làng là tham gia, nhiều khi thiệt thòi, tai họa là thứ ông phải hứng chịu.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình được mọi người gọi là "Trưởng thôn đi lo việc thiên hạ". |
Điều đặc biệt, nhóm “Đình làng Việt” hơn 5.000 thành viên ai nấy đều gọi nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình là “Bác trưởng thôn – người đi lo chuyện thiên hạ”.
Gần đây nhất, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình và các họa sĩ Nguyễn Đức Hoàn, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Mạnh Đức, cùng lên tiếng kêu cứu cho đình làng Cổ Chế, ngôi đình 300 năm tuổi bị lãng quên, xuống cấp chờ ngày “khai tử”.
Ông Bình kể: “Cũng nhờ một thành viên trong nhóm “Đình làng Việt” mà chúng tôi mới biết cách trung tâm Hà Nội không xa, nằm ngay quốc lộ lại có một ngôi đình đẹp đến như thế. Đau đớn là người ta không hiểu được giá trị văn hóa của nó, cứ để cho thiên nhiên tàn phá.
Nhìn ngôi đình mà tôi như muốn khóc. Ngôi đình đặc biệt đến nỗi nhiều nhà nghiên cứu khi được mời tới đây đều nhận định rằng, những mảng chạm trong đình đạt đến trình độ “cực kỳ tinh xảo” mà không một ngôi đình cùng thời nào có được”. Sau nhiều chuyến về thực tế, góp ý với chính quyền địa phương, cơ quan có thẩm quyền và cả những cơ quan truyền thông, đình Cổ Chế đã được người ta cho lắp mái tôn trùm kín, chờ ngày dự án trùng tu được thực hiện.
Nhóm “Đình làng Việt” thường xuyên tổ chức các buổi thực tế cùng các nhà nghiên cứu. Đến đình làng nào họ cũng gặp gỡ người dân địa phương, các thủ từ của đình, tìm hiểu, trò chuyện, phổ biến cho họ những giá trị đặc biệt của di tích để người dân hiểu và gìn giữ.
Chính những lần đi như vậy, nhóm “Đình làng Việt” không ít lần bị dân phòng, trưởng thôn mời về trụ sở UBND xã làm việc vì cho rằng nhà báo tác nghiệp chưa xin phép. Ông Bình nhớ lại: “Rất nhiều lần chúng tôi đến các di tích đang trùng tu, tư vấn cho lãnh đạo địa phương tránh được lối mòn tu bổ theo kiểu kéo lùi niên đại. Nhưng quả thực cũng có những lần thất bại ê chề mà không biết kêu ai”.
Đau đớn nhất là lần điền dã đình Vường – Bắc Giang. Khi thông tin được chia sẻ trong nhóm, ông Bình phát hiện ra đình Vường có những nét kiến trúc vô cùng độc đáo, đặc biệt là những nếp tường bao lửng được làm theo kỹ thuật trình tường. Ông quyết định kêu gọi trong nhóm, quyên góp một số tiền cùng nhau đến địa phương đó làm từ thiện.
Ông bảo: “Chỉ có cách đó mới dễ dàng tiếp cận được người dân, tiếp cận được chính quyền địa phương. Sau khi trao các phần quà cho một số hộ nghèo, tôi có ngồi với nhân dân, chính quyền địa phương cả xã, cả huyện. Nói hết về giá trị của di tích, nói những thứ đặc biệt, khuyên mọi người gìn giữ và cố gắng bảo vệ bức tưởng lửng bao quanh đình”.
Để bảo vệ đình làng Việt, cách tốt nhất là phổ biến cho nhân dân hiểu được giá trị của nó. |
Thế rồi một ngày, ông Bình bàng hoàng thấy trên facebook của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Quang Châu một hình ảnh ở đình Vường đang xây dựng tường rào dở. Cả đêm đó ông không chợp được mắt, chỉ mong trời mau sáng để gọi điện xem thực hư. Ông điện cho Trưởng BQL di tích thì nhận được câu trả lời: “Tôi không biết”.
Gọi cho cán bộ văn hóa huyện thì không nghe máy, gọi cho cán bộ phụ trách văn hóa xã thì họ bảo, đó là dự án của huyện, xã không nắm được. “Đó là lần cay đắng nhất trong quá trình nghiên cứu, bảo vệ đình làng Việt. Họ cho đập hết những bức tưởng lửng, xây mới bằng gạch. Hóa ra họ đã có dự án hết cả rồi, một hệ thống khuôn viên đình đẹp như vậy, giờ được nó xây kín, khóa chặt” - “Trưởng thôn” Bình đau đớn kể lại.
Trở thành nơi "giám sát"…
Ra đời chưa lâu nhưng “Đình làng Việt” được rất nhiều người quan tâm, bên cạnh 5.000 thành viên, hàng ngày có cả nghìn người truy cập. Từ đó để thấy dù cuộc sống hiện đại nhưng vẫn còn rất nhiều người yêu giá trị truyền thống.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình lý giải: “Ở Việt Nam, đặc biệt là ở miền Bắc, làng nào cũng có một ngôi đình để thờ thành hoàng làng. Nó là nơi để giao lưu văn hóa, để thờ cúng trời đất, thậm chí nghỉ ngơi của người dân trong làng. Nó như một hình ảnh ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam”.
Bấy lâu “Đình làng Việt” vô tình trở thành một kênh giám sát trong quá trình tu bổ di tích cực kỳ hiệu quả. Những sai sót của đình Quang Húc, cụm đình Hương Canh, chùa Sổ… đều được kịp thời đưa ra trước công chúng.
Cách đây không lâu, nhóm “Đình làng Việt” đã thành công trong việc di dời đôi sư tử đá của Tàu ra khỏi một ngôi đình ở Bắc Ninh. Đây được coi là cuộc di dời khó khăn nhất của nhóm đã từng làm. “Quả thực nhìn thấy hai con sư tử đá chềnh ềnh sân đình làng là tôi không thể chịu được.
Chúng tôi bàn bạc với mọi người trong nhóm, bằng mọi giá phải mang con vật ngoại lai ra khỏi nơi lưu giữ những nét văn hóa thuần Việt”. Qua tìm hiểu, hai con sư tử đá là của một hội đồng niên trong làng cung tiến đình. Việc di dời khó khăn không chỉ là việc xin phép BQL di tích, UBND xã, nhân dân mà còn cả kinh phí để di dời.
Thành viên của nhóm "Đình làng Việt" lên tới hơn 5.000 người. |
“Tôi có bảo mọi người ở đấy rằng, việc đưa hai con sư tử đá vào đây đã là sai luật rồi, khi đưa vào đây mọi người chưa có giấy phép gì cả. Thì nay chúng tôi đưa nó đi, để cho đúng luật thì việc gì phải xin phép. Rồi người dân bàn tán nhau là chúng tôi mang đi vì muốn sở hữu, tôi liền bảo: nếu mọi người cần đặt nó ở đâu chúng tôi sẽ đặt nguyên chỗ đó miễn không phải tại đình làng. Thế là mọi người mới xuôi để chúng tôi di dời. Anh em quyết tâm lắm, mỗi người đóng góp một ít, tổng chúng tôi có 4 triệu để thuê máy cẩu đưa 2 con sư tử ngoại lai đó đi”.
Điều đặc biệt nữa của “Đình làng Việt” cũng là nơi họ kể lại những câu chuyện của chính mình, của lịch sử ngôi làng mình và cả những tâm tư, tình cảm, vui buồn của những tay thợ thủ công, những người tạc nên bức tranh vô giá ấy. Vậy là họ quyết định làm một điều gì “ra tấm ra món”.
Tháng 8- 2015 tại Heritage Sapce Dolphin Plaza, một cuộc triển lãm đầu tay và 2 cuộc tọa đàm được tổ chức. “Tất cả hình ảnh của cuộc triển lãm này được xây dựng dưới dạng 3D. Những người ở xa vẫn có thể thưởng thức được. Tất cả kinh phí đều được chúng tôi kêu gọi từ nhóm.
Nói chung sau cuộc triển lãm ấy, tiếng vang của nhóm cũng được vang xa, ngay sau đó chúng tôi tiếp tục bắt tay vào làm một chương trình trung thu truyền thống tại Bảo tàng Hà Nội. Mới đây thôi, chúng tôi có phối hợp với Sở VHTT tổ chức Hội thảo “Đình làng xứ Đoài” – “Trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình nói.
Tất cả những gì nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình và nhóm “Đình làng Việt” làm được đủ thấy ban đầu họ đã thành công. Rõ ràng họ không có một chiến lược truyền thông nào, nhưng họ biết kết nối những người yêu văn hóa đặc sắc của dân tộc, những người khát khao gìn giữ những giá trị đặc biệt đang bị đe dọa. Đây là một trường hợp đầy thú vị của thế giới ảo là “facebook” bước ra đời thực một cách hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.