(HNMCT) - Dự báo đến năm 2030, số người cao tuổi ở nước ta vào khoảng 18 triệu, chiếm 17,5% dân số, tức là cứ 6 người dân thì có hơn 1 người cao tuổi.
Việc già hóa dân số nhanh chóng tất yếu kéo theo những yêu cầu bức thiết về chất lượng cuộc sống, hệ thống y tế cũng như các giải pháp đảm bảo tâm lý ổn định, vui vẻ cho người già. Tuy nhiên, hiện tại, không gian vui chơi cho người già dường như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt - Giám đốc sáng tạo Think Playgrounds người từng nhiều năm nỗ lực xây dựng các sân chơi trong Thành phố về vấn đề này.
- Thưa anh, có thể thấy, bất kỳ lứa tuổi nào cũng cần có hoạt động giải trí phù hợp, nhất là người cao tuổi. Tuy nhiên, trên thực tế, sân chơi, không gian chung dành cho những người cao tuổi vẫn chưa được đáp ứng đúng với nhu cầu thực tiễn. Anh đánh giá thế nào về nhận định này?
- Phải khẳng định rằng, với mọi lứa tuổi, không gian sinh hoạt chung tại Hà Nội hiện vẫn còn thiếu; chỉ số về không gian cây xanh, công viên tính trên đầu người của thành phố Hà Nội chưa được cải thiện nhiều. Bên cạnh đó, kể cả khi chỉ số ấy thay đổi, Hà Nội vẫn thiếu không gian sinh hoạt chung dành cho người già - độ tuổi có những nhu cầu giải trí riêng biệt, cần một không gian yên tĩnh, thoáng mát, các trò chơi vận động nhẹ nhàng... Hiện tại, người cao tuổi tại Hà Nội đang sinh hoạt chung với các nhóm lứa tuổi khác như trẻ nhỏ, thanh, thiếu niên… Đó là điều không hợp lý, đơn cử, nếu các cụ đến công viên, không gian công cộng khi đang có một trận bóng đá của thanh niên thì lẽ đương nhiên, các cụ không thể “cạnh tranh” không gian với giới trẻ được. Đặc biệt, hiện tại, thiết kế của đa số không gian công cộng chưa chi tiết. Hầu hết các công viên, vườn hoa thiếu thùng rác, nhà vệ sinh, hạ tầng giao thông, đường dẫn đến công viên vẫn còn bị lấn chiếm; ở nhiều nơi, những con đường ấy được tận dụng để làm nơi gửi xe máy, ô tô, cửa hàng ăn uống, bãi tập kết rác. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy các cụ già phải đi bộ xuống lòng đường để đến được công viên gần nhà... Và với những "chướng ngại vật" như thế, ngay cả người khỏe mạnh còn ngại thì nói gì đến những cụ già tay chân yếu, chậm, lẫn hoặc đi xe lăn… Nếu không có con cháu dắt đi, họ rất khó để tới sân chơi mà mình cần.
Trên đây chỉ là một ví dụ cho thấy, xét về tính tiện ích và tính hòa nhập, không gian công cộng ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng rất cần được thay đổi, cải tạo.
- Theo anh, nguyên nhân khiến không gian sinh hoạt chung dành cho người già vẫn còn thiếu so với nhu cầu là gì?
- Như tôi đã nói ở trên, một thành phố mà vắng bóng những cụ già trên những con đường, trong những không gian công cộng, điều đầu tiên phải nghĩ đến đó là thiết kế đô thị đang gặp nhiều vấn đề. Vấn đề đó có thể bắt đầu từ hạ tầng giao thông, sự bất cập và cả bất tiện trong cách tiếp cận của người già đối với các không gian công cộng... Tiếp đó là do các cơ quan quản lý, các tổ chức hội, nhóm, đoàn thể chưa quan tâm sát sao đến không gian này. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, giải trí cho người cao tuổi chủ yếu tập trung ở đô thị và các khu vực trung tâm, nơi tập trung đông dân cư; tại vùng ngoại ô, hoạt động này còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho các công trình vui chơi giải trí dành cho người cao tuổi còn ít so với nhu cầu, thiếu các quy định về phân bổ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tổ chức hoạt động vui chơi văn hóa cho người cao tuổi.
Đặc biệt, khó khăn lớn nhất trong công tác quy hoạch, xây dựng thêm không gian công cộng là quỹ đất hạn chế. Việc di dời các cơ quan, đơn vị đang sử dụng đất tại các khu đất xen kẽ, giáp ranh khu dân cư vào mục đích sản xuất, kinh doanh để bổ sung quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa còn quá chậm.
- Theo anh, việc người già không có nơi tụ họp vui chơi, không gian sống bị bó hẹp sẽ dẫn đến những hậu quả gì?
- Các hoạt động vui chơi, giải trí giúp con người thoát khỏi phiền muộn và mang đến nhiều khoảnh khắc thú vị. Đó là nhu cầu của tất cả mọi người, kể cả người già. Người cao tuổi tham gia các hoạt động vui chơi giải trí đều đặn, hợp lý sẽ giúp tăng cường sức khỏe. Và, việc được vận động ấy sẽ giúp cho quá trình lão hóa chậm đi, họ sẽ vui sống hơn khi chất lượng cuộc sống tăng lên, sức khỏe tốt hơn. Hơn nữa, việc người cao tuổi được tham gia vào các hoạt động tụ họp, vui chơi trong không gian sinh hoạt chung còn giúp kích thích tinh thần, nâng cao khả năng giao tiếp xã hội, rèn luyện thể chất.
- Theo anh, trong thời gian tới, Hà Nội cần làm gì để tạo thêm nhiều sân chơi hơn cho người cao tuổi?
- Động thái tích cực và rất đáng hoan nghênh của Hà Nội chính là sắp tới, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng mới 6 công viên (Công viên Chu Văn An; Khu công viên và hồ điều hòa tại ô đất ký hiệu CV1 Khu đô thị mới Cầu Giấy; Công viên khu đô thị Tây Nam Hà Nội; Công viên Văn hóa Kim Quy; Công viên hồ Phùng Khoang; Công viên Văn hóa - Vui chơi giải trí, Thể thao quận Hà Đông); cải tạo, chỉnh trang, đầu tư xây dựng 5 công viên: Công viên Thiên văn học, quận Hà Đông; Công viên Lịch sử, Văn hóa Bách Thảo, quận Ba Đình; Dự án đầu tư xây dựng Công viên Hữu Nghị, quận Bắc Từ Liêm; Công viên Vườn hoa Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm; Công viên Văn hóa Thể thao, quận Đống Đa; và cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có.
Tuy nhiên, để có nhiều không gian sinh hoạt chung dành cho người già, các cơ quan chức năng, ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn tới đối tượng này, từ việc xây dựng các dự án quy hoạch đến thiết kế không gian, tiện tích phù hợp với sức khỏe và độ tuổi của người già. Đặc biệt, chúng ta cần có những quy định, chế tài xử phạt nghiêm hơn với các hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chiếm dụng không gian chung phục vụ lợi ích cá nhân. Đồng thời, để thuận tiện hơn cho người cao tuổi đến những không gian công cộng ấy, các cơ quan chức năng cần xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, phương tiện công cộng thuận tiện hơn nhằm khuyến khích cộng đồng người cao tuổi trên địa bàn Thành phố đến những không gian này nhiều hơn, từ đó giúp người cao tuổi sống vui, khỏe.
- Trân trọng cảm ơn anh!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.