(HNMCT) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tình trạng già hóa dân số đang diễn ra một cách nhanh chóng trên toàn cầu. Điều này phần nào phản ánh sự thành công của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là lĩnh vực y tế trong việc phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh, kéo dài sự sống cho con người. Để tiếp tục sống vui khỏe và có ích, nhiều người cao tuổi đã tham gia các hoạt động lành mạnh giúp giữ gìn sức khỏe và duy trì tinh thần lạc quan.
Các số liệu thống kê của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, thành phần dân số thế giới đã thay đổi đáng kể trong những thập niên gần đây. Trong giai đoạn từ năm 1950 đến năm 2010, tuổi thọ trên thế giới đã tăng từ 46 lên 68. Trên toàn cầu, có 703 triệu người từ 65 tuổi trở lên vào năm 2019. Hiện nay, tuổi thọ trung bình toàn cầu là 72, trong đó nam giới là 70 tuổi và nữ giới là 75 tuổi. Trong 3 thập niên tới, số lượng người cao tuổi trên thế giới dự kiến sẽ tăng hơn gấp đôi, đạt hơn 1,5 tỷ người vào năm 2050. Cùng với sự gia tăng số lượng người cao tuổi, các chính sách dành cho bộ phận dân số này cũng ngày một được chú trọng hơn. Người cao tuổi ở các quốc gia cũng chủ động tham gia nhiều hơn vào các hoạt động văn hóa, xã hội, thể thao với suy nghĩ già nhưng vẫn năng động, khỏe mạnh.
Kết quả nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, khi tham gia hoạt động xã hội, người cao tuổi nhận được rất nhiều lợi ích cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Họ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn. Khi được tiếp xúc với nhiều người, họ cảm thấy thoải mái, thư giãn, được chia sẻ niềm vui cũng như khó khăn. Bên cạnh đó, việc thường xuyên kích thích não bộ bằng các hoạt động xã hội hoặc các trò chơi đòi hỏi khả năng tư duy như đọc sách, chơi cờ... giúp người lớn tuổi cải thiện sức khỏe não bộ và chống lại chứng sa sút trí tuệ.
Hiện tại, có rất nhiều hoạt động, hội nhóm phù hợp với các độ tuổi, mức độ sức khỏe, trình độ để người cao tuổi dễ dàng tham gia. Theo khảo sát của một tổ chức người cao tuổi tại Anh có tên gọi Age UK, 38% số người từ 65 tuổi trở lên đã chọn làm gốm trong vườn là hoạt động mang lại cho họ nhiều niềm vui trong cuộc sống, 28% thích đi dạo và 25% thích đọc báo. Một hoạt động khác cũng được nhiều người cao tuổi chào đón, đó là khiêu vũ. Theo nhà báo người Anh Colin Drury, ở phía đông Thủ đô London, một câu lạc bộ với tên gọi The Posh hằng tuần đều dành riêng một buổi tối để tổ chức chương trình khiêu vũ cho các khách hàng cao tuổi. Số người tham gia rất đông, thường khoảng 120 người từ 60 tuổi trở lên. Họ ăn mặc như những quý ông, quý bà, quên đi tuổi tác để hòa vào những giai điệu lúc sôi động, lúc du dương của ban nhạc.
Tại Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi lớn nhất thế giới với tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên chiếm tới 28,4% dân số, chính quyền các địa phương thường tổ chức nhiều hoạt động để người già tham gia. Người cao tuổi Nhật Bản luôn suy nghĩ một cách tích cực. Nghỉ hưu không có nghĩa là ngừng vui sống, ngừng làm việc. Họ biết lựa chọn công việc phù hợp với sức khỏe của mình. Khi về già, họ vẫn thường xuyên đi du lịch, đạp xe, đi bộ. Vì vậy, có rất nhiều câu lạc bộ, khu hoạt động thể dục, thể thao cho người già. Bên cạnh đó, chính quyền còn tổ chức các hoạt động bổ ích cho người cao tuổi tham gia như trà đạo, nghe nhạc miễn phí và một số hoạt động giúp người già trổ tài như nấu ăn, may vá.
Việc những người cao tuổi tình nguyện giữ gìn vệ sinh, hướng dẫn giao thông cho trẻ em đi học đã không còn là hình ảnh hiếm gặp ở đất nước “mặt trời mọc”. Ông Yoshihiro Kondo, 74 tuổi, cho biết, ông đã đăng ký trở thành tình nguyện viên với quận Shibuya, Tokyo, kể từ khi nghỉ hưu. Mỗi ngày 2 lần, mỗi tuần 3 ngày, ông có mặt tại ngã tư đúng vào thời điểm các em học sinh tới trường và ra về. Tiền trợ cấp của ông tương đương 200.000 đồng/ngày làm việc và chủ yếu chỉ mang tính động viên, nhưng ông cảm thấy rất vui vẻ với công việc này.
Theo ý kiến của nhiều nhà xã hội học, người cao tuổi là một phần quan trọng trong cấu trúc cộng đồng ở các quốc gia. Việc chủ động tham gia các hoạt động bổ ích, lành mạnh không chỉ giúp cải thiện sức khỏe cho chính họ mà còn là tấm gương để thế hệ trẻ học tập về một lối sống tích cực và cả vẻ đẹp của sự lạc quan trong tâm hồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.