(HNMCT) - Biết cách giữ gìn sức khỏe, tạo niềm vui cho mình, chủ động về kinh tế..., đó là sự thay đổi tích cực dễ thấy ở không ít người cao tuổi. Từ những đổi thay này, người cao tuổi có thêm động lực để phát huy nhiều hơn giá trị bản thân, nêu gương sáng cho con cháu và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội.
Những chuyển biến tích cực
Anh bạn tôi kể rằng, khi có dịp sang các nước châu Á như Singapore, Nhật Bản du lịch, anh đã thấy rất nhiều người già đi lại, năng động và hào hứng tận hưởng nhịp sống văn minh. Anh thấy họ lui tới nhà hàng, quán cà phê sang trọng và ngồi ăn uống rất thảnh thơi. Anh bảo, ở những nơi ấy, vào những ngày nghỉ sẽ thấy rất nhiều người cao tuổi đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, cà thẻ thành thạo, lướt web nhoay nhoáy... Anh đã ngạc nhiên, tự hỏi rằng sao người già đông đến thế, và có vẻ họ còn hiện đại, văn minh hơn anh, một người thuộc thế hệ 8x...
Thế nhưng đó là chuyện của nhiều năm trước. Hiện tại, ở Việt Nam, người cao tuổi tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã dần bắt nhịp với guồng quay của cuộc sống nhộn nhịp. Tôi nhớ lại một buổi chiều tà, khi đang lang thang trên phố sách của Hà Nội, tôi bắt gặp một số cụ bà thong thả vào hiệu sách, chọn một góc riêng nghiền ngẫm cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh và vài cuốn nữa về triết lý nhân sinh... Điều đáng nói là thời điểm ấy, nhiều "người bà kiểu mẫu” còn đang bận rộn trong bếp chuẩn bị bữa cơm chiều cho con cháu. Khi trở về nhà, tôi cảm thấy mình như có lỗi vì đã ngạc nhiên. Đó đáng ra phải là điều mà bất cứ người già nào cũng được hưởng. Cả đời vất vả nuôi con khôn lớn, giờ phải là lúc thảnh thơi sống cho mình chứ! Đã qua rồi cái thời nặng nề với quan niệm rằng, khi về già, người cao tuổi chỉ nên ở trong nhà, tập trung giữ gìn sức khỏe cũng như hỗ trợ con cái. Rằng, một người già “điển hình” là phải mặc định quanh quẩn trong bốn bức tường, không tụ họp bạn bè, "thoáng" hơn thì cũng chỉ quanh quẩn vài nhà hàng xóm hoặc ngôi chợ nhỏ cách nhà trăm bước chân...
Ông Lê Văn Cơ (phố Thuốc Bắc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) hóm hỉnh nhận xét: “Về hưu rồi mới biết Hà Nội hiện có rất nhiều hội nhóm lớn nhỏ, được chia theo sở thích, thú chơi, kiểu cách hoạt động... Đó hẳn là một “thế giới ngầm” hoạt động bài bản, có giao lưu trao đổi, tổ chức các buổi gặp gỡ. Hội chơi chó mèo chim cá được thành lập với những chi nhánh nhỏ. Hội cây cảnh cũng chia thành những hội nhỏ có tên riêng theo loài cây. Cũng chơi cá nhưng hội chơi cá rồng sinh hoạt riêng và hội chơi cá bảy màu kết nạp hội viên riêng. Cũng chơi chim nhưng hội cu gáy khác hội chim khuyên. Thậm chí có hẳn những hội chơi lồng cu gáy...”.
Mới đây, thông tin về một lớp học tiếng Anh dành cho người cao tuổi nằm trên phố Kim Ngưu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã lan tỏa nguồn năng lượng tích cực đến nhiều người, nhất là người cao tuổi tại Hà Nội. Được biết, hơn 4 năm qua, lớp học này đều đặn đón các học viên có độ tuổi từ 60 đến... gần 90 tuổi. Tinh thần ham học bất kể tuổi tác của các học viên nơi đây đã khiến nhiều người khâm phục. Cụ Nguyễn Thị Lộc (80 tuổi), người đã dành căn phòng nhỏ rộng khoảng 20m2 trên tầng 2 để mở lớp học tiếng Anh này, chia sẻ: "Chúng tôi già, không còn nhiều sức khỏe, nên dành thời gian còn lại làm điều gì đó ý nghĩa cho cuộc đời, không chấp nhận cuộc sống nhàn rỗi ở nhà".
Không chỉ học thêm ngoại ngữ, nhiều người cao tuổi tại Hà Nội còn tham gia các lớp học khiêu vũ, học đàn, học vẽ... Thậm chí, cách đây vài năm, sáng nào ở Bờ Hồ cũng có một lớp dạy nhảy hip hop dành cho người cao tuổi; lớp do anh Nguyễn Viết Thành, trưởng nhóm nhảy Big Toe tổ chức. Có những lớp học ấy, cuộc sống tuổi già nơi phố thị bừng rỡ từng ngày. Bà Lê Thúy Hương (ngõ Hàm Rồng, phố Ngọc Lâm, quận Long Biên), một người tham gia lớp học đàn piano dành cho người cao tuổi chia sẻ: “Điều tuyệt vời đầu tiên mà âm nhạc mang lại cho người lớn tuổi là tinh thần lạc quan, yêu đời, vui vẻ với mọi vật xung quanh bởi mọi áp lực đã được giải phóng thông qua tiếng đàn”.
Không chỉ tham gia các hội nhóm nhỏ lẻ, nhiều người cao tuổi tại Hà Nội còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hội Người cao tuổi chia nhánh đến tận các tổ dân phố và hoạt động khá sôi nổi, thu hút rất nhiều hội viên tham gia. Từ việc đảm bảo vệ sinh ngõ xóm, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn đến việc tham gia tích cực vào phong trào xây dựng nếp sống văn minh tại khu dân cư, thậm chí là tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19... Trò chuyện với bà Nguyễn Thị Hường (phường Việt Hưng, quận Long Biên), người từng nhiều năm tham gia hoạt động trong Hội Người cao tuổi của phường, bà cười bảo: “Già rồi, chân đau, xương cốt đâu còn được như lớp trẻ. Nhưng lớp trẻ bận đi làm và còn nhiều gánh nặng. Các cô đã ở cái tuổi an hưởng, có thời gian nên tham gia công tác xã hội, làm thay được phần nào cho người trẻ thì làm”.
Để cuộc sống tuổi già thêm ý nghĩa
Nhà văn Đỗ Phấn từng chia sẻ rằng, chuẩn bị gì cho tuổi già thì không có câu trả lời chung cho tất cả. Nhưng ít nhất, tùy theo tiềm lực kinh tế và sức khỏe, rất nên tìm những nhóm bạn cùng sở thích để giao lưu... Phải rồi, dù là thay đổi quan niệm, cách sống, cách hưởng thụ cuộc sống của các cụ già bây giờ đã khác xưa nhưng nhu cầu được giao lưu, gặp gỡ luôn là quan trọng. Khi người già tham gia vào một hội, nhóm, tổ chức xã hội nào đó, họ sẽ nhận được rất nhiều lợi ích cho đời sống tinh thần cũng như sức khỏe. Họ sẽ thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn. Khi được tiếp xúc với nhiều người, họ cảm thấy thoải mái, thư giãn, được chia sẻ nhiều hơn và từ đó giảm bớt cảm giác chán nản, mệt mỏi thường thấy, đặc biệt là dễ thông cảm, sẻ chia, hạn chế suy nghĩ tiêu cực.
Nhận thức rõ ý nghĩa sâu sắc trong việc khơi dậy niềm vui sống tuổi già, Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách chăm lo, những chủ trương đúng đắn để phát huy vai trò của "cây cao bóng cả" như phong trào "Ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền", “Tuổi cao - gương sáng”... Các tổ chức hội như Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh... chuyên chăm lo, quan tâm đến người cao tuổi đã được triển khai đến từng tổ dân phố, tạo điều kiện để người cao tuổi tham gia giám sát và phản biện xã hội trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, nhất là trong xây dựng nông thôn mới...
Tuy nhiên, bên cạnh việc xây dựng các hội nhóm là nơi sinh hoạt thường xuyên cho người cao tuổi, thì việc xây dựng những không gian sinh hoạt chung ngoài trời vẫn còn hạn chế. Những tòa nhà chọc trời san sát, phố xá tấp nập, xe cộ ồn ào tất nhiên không phải là không gian lý tưởng dành cho người già. Hà Nội hiện đang thiếu rất nhiều vườn hoa xanh mát, những khoảng không gian rộng rãi để người già có thể cùng bạn đánh cờ, chơi cầu lông, tập dưỡng sinh. Mong muốn nhiều khi đơn giản, chỉ là một con đường, một góc phố không có tiếng còi xe, không có cảnh chen chúc để họ được chậm rãi tản bộ...
Trước thực tế quỹ đất nội đô ngày càng thu hẹp, để có thêm không gian sinh hoạt chung cho người cao tuổi, ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam nêu ý kiến: “Nhu cầu có một không gian để giao lưu của người cao tuổi cần được quan tâm nhiều hơn. Các cơ quan quản lý ngay từ khi lập quy hoạch xây dựng các tòa chung cư, các khu đô thị, ngoài nhà văn hóa chung thì cũng cần quan tâm tới không gian sinh hoạt cho người cao tuổi. Đặc biệt, với tốc độ già hóa dân số rất nhanh như hiện nay, không chỉ không gian sinh hoạt chung mà cả việc xây dựng các trung tâm sinh hoạt cộng đồng, trung tâm hỗ trợ và chăm sóc người cao tuổi... cũng cần gấp rút lên kế hoạch. Có như thế, đời sống tinh thần của người cao tuổi mới ngày càng được nâng cao, người già có thêm cơ hội tận hưởng cuộc sống với một tinh thần vui vẻ, lạc quan và cuộc sống của họ thêm nhiều ý nghĩa”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.