(HNMO) – Sáng nay, 25/11, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Theo đó, luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó có các quy định về yêu cầu thi hành án; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án; cưỡng chế thi hành án; giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án; xử lý tài sản không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành…
Về phạm vi điều chỉnh, Luật quy định nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định dân sự, hình phạt tiền, tịch thu tài sản, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, xử lý vật chứng, tài sản, án phí và quyết định dân sự trong bản án, quyết định hình sự, phần tài sản trong bản án, quyết định hành chính của Toà án, quyết định của Tòa án giải quyết phá sản, quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có liên quan đến tài sản của bên phải thi hành án của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh và phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; hệ thống tổ chức thi hành án dân sự và Chấp hành viên; quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thi hành án dân sự.
Luật cũng quy định 2 cơ chế ra quyết định thi hành án: cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án theo yêu cầu.
Đương sự có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án bằng hình thức trực tiếp nộp đơn hoặc trình bày bằng lời nói hoặc gửi đơn qua bưu điện. Ngày yêu cầu thi hành án được tính từ ngày người yêu cầu nộp đơn hoặc trình bày trực tiếp hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Về quyền của người được thi hành án, luật quy định, người được thi hành án được yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong luật; được thông báo về thi hành án; thỏa thuận với người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án; yêu cầu Tòa án xác định, phân chia quyền sở hữu, sử dụng tài sản; yêu cầu Tòa án giải thích những điểm chưa rõ, đính chính lỗi chính tả hoặc số liệu sai sót; khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án; tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh, cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; không phải chịu chi phí xác minh điều kiện thi hành án do Chấp hành viên thực hiện; yêu cầu thay đổi Chấp hành viên trong trường hợp có căn cứ cho rằng Chấp hành viên không vô tư khi làm nhiệm vụ; khiếu nại, tố cáo về thi hành án…
Người phải thi hành án được xét miễn nghĩa vụ thi hành án khi có đủ các điều kiện sau đây: Không có tài sản hoặc có tài sản nhưng tài sản đó theo quy định của pháp luật không được xử lý để thi hành án hoặc không có thu nhập hoặc mức thu nhập thấp, chỉ bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người phải thi hành án và người mà họ có trách nhiệm nuôi dưỡng; Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị dưới 2.000.000 đồng hoặc hết thời hạn 10 năm, kể từ ngày ra quyết định thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng.
Về thẩm quyền thi hành án, luật bổ sung cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện có thẩm quyền thi hành các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan thi hành án dân sự có trụ sở.
Cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành các bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án nhân dân cấp tỉnh trên cùng địa bàn; bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp cao, quyết định của Toà án nhân dân tối cao chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh; bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Toà án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; phán quyết, quyết định của Trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh; bản án, quyết định do cơ quan thi hành án dân sự nơi khác hoặc cơ quan thi hành án cấp quân khu ủy thác; bản án, quyết định thuộc thẩm quyền thi hành của cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện mà thấy cần thiết lấy lên để thi hành…
Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại trường về dự án bộ luật Dân sự sửa đổi. Các đại biểu tán thành cao với việc sửa đổi toàn diện bộ luật, nhằm cụ thể hóa Hiến pháp mới, đảm bảo quyền công dân, quyền con người theo quy định và cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của luật.
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát kỹ những văn bản pháp luật thực tế đang áp dụng để có thể xử lý hết những bất cập, vướng mắc; điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; làm rõ các thuật ngữ mang tính trừu tượng, khó xác định nội hàm, các quy định về quyền tài sản, quyền riêng tư…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.