Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Người di cư” vẫn phủ bóng Nam Âu

Thùy Dương| 13/01/2018 07:09

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nam Âu vừa kết thúc tại thủ đô Rome của Italia với sự tham dự của lãnh đạo 7 nước, gồm Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Malta và Síp. Trong tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị, các nhà lãnh đạo Nam Âu đã kêu gọi tăng cường hội nhập kinh tế và tài chính hơn nữa...

Người nhập cư tới Manduria thuộc vùng lãnh thổ Puglia phía Nam Italia. Ảnh: AFP



Hiện các nước thành viên EU đang quay trở lại con đường tăng trưởng sau một thập kỷ khủng hoảng tài chính, do đó, lãnh đạo các nước Nam Âu nhấn mạnh những bước đi sắp tới để hoàn thành Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Châu Âu (EMU) là điều cần thiết nhằm đạt được sự phát triển bền vững và cân bằng, có tính cạnh tranh, kiến tạo việc làm có chất lượng cùng sự hội tụ trong khối. Ngoài ra, vấn đề hoàn thiện và tăng cường năng lực cho liên minh ngân hàng là ý tưởng được đưa ra tại hội nghị. Các nước cũng mong muốn thành lập Quỹ Dự trữ đơn nhất và cơ chế bảo hiểm tiền gửi Châu Âu. Tuy nhiên, vấn đề người nhập cư, vốn là vấn đề gây nhức nhối với EU, vẫn là chủ đề được đưa ra bàn thảo nhiều nhất trong hội nghị.

Thực tế, các nước Nam Âu từ lâu đã là tuyến đầu phải giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn, là địa điểm trung chuyển hoặc chịu gánh nặng lớn nhất trong tiếp nhận người di cư. Những năm gần đây, các nước liên tục kêu gọi EU xem xét phân bổ hợp lý người di cư giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, một số thành viên ở Trung và Đông Âu như Ba Lan, Séc, Slovakia và Hungary vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch phân bổ người tị nạn được đa số thành viên EU thông qua năm 2015 nhằm hỗ trợ các nước cửa ngõ Châu Âu như Italia và Hy Lạp giảm bớt áp lực.

Đối với Italia, từng là điểm đến lớn nhất của dòng người vượt biển, đặc biệt từ Châu Phi, nhưng năm 2017 có thể coi là một bước ngoặt khi chính quyền Rome đã nỗ lực giảm mạnh số người tị nạn nhờ các thỏa thuận với Libya. Theo báo cáo của Cơ quan bảo vệ biên giới Châu Âu (Frontex), đến hết tháng 10-2017 có khoảng 150.000 người đã vượt Địa Trung Hải, trong đó số người đặt chân đến Italia giảm 30% so với năm 2016. Trong khi đó, Tây Ban Nha chứng kiến sự gia tăng đáng kể dòng người tị nạn từ Algeria và Morocco, từ 6.000 người trong năm 2016 lên gần 23.000 người vào năm 2017. Tại Hy Lạp, một hiệp định giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp số lượng người Trung Đông đổ đến đây giảm còn 28.800 trong năm 2017, ít hơn 6 lần so với năm 2016. Nhưng Hy Lạp hiện phải vật lộn để ứng xử với hơn 50.000 người nhập cư, trong đó có 14.000 người đang sống trong các lều trại hoặc trung tâm tị nạn.

Rõ ràng, vấn đề người di cư vẫn tiếp tục tác động nặng nề đến nhiều quốc gia Nam Âu. Không chỉ chật vật giải quyết gánh nặng cứu hộ, cứu trợ mang tính nhân đạo, nhiều quốc gia tại khu vực này đang lo ngại nguy cơ các phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người nhập cư bất hợp pháp. Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh Nam Âu đã xác định việc quản lý dòng người di cư vẫn là một thách thức cơ bản đối với EU trong những năm tới. Các nước Nam Âu là tuyến đầu do nằm ở các đường biên giới phía ngoài của EU, vì vậy vai trò và trách nhiệm trong việc bảo vệ các đường biên giới của EU phải được khẳng định và chia sẻ trong liên minh. Nội dung của tuyên bố chung cũng như phát biểu của các nhà lãnh đạo sau hội nghị đều cho thấy, các nước Nam Âu quyết tâm thiết lập một “mặt trận chung” trước khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) vào tháng 3 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Người di cư” vẫn phủ bóng Nam Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.