(HNM) -
Dòng người di cư mắc kẹt tại Hy Lạp sau khi Macedonia đóng cửa biên giới. |
Một loạt nước Tây Balkan cũng đưa ra quyết định tương tự khiến cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai tại Cựu lục địa càng trở nên phức tạp.
Các cửa ngõ Balkan dẫn tới Châu Âu có nguy cơ bị đóng lại sẽ không chỉ khiến tình hình thêm hỗn loạn mà còn đẩy khu vực trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo. Trong một phát biểu mới đây khi thăm đảo Lesbos của Hy Lạp, "cửa ngõ" vào Châu Âu của người di cư, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi bày tỏ lo ngại trước thông tin các nước Châu Âu tăng cường đóng cửa biên giới dọc tuyến Balkan.
Theo ông F.Grandi, động thái trên sẽ làm tăng gánh nặng đối với Hy Lạp - quốc gia đang gánh chịu trách nhiệm nặng nề trong kiểm soát người di cư muốn tới các nước Châu Âu bị mắc kẹt lại đây. Theo người đứng đầu UNHCR, việc áp dụng chương trình của Liên minh Châu Âu (EU) về phân bổ khoảng 160.000 người di cư từ Hy Lạp và Italia tới các nước thành viên khác là quá nhỏ, trong khi kế hoạch tái định cư trực tiếp người tị nạn từ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa bắt đầu. Vì thế, việc đóng cửa biên giới hay siết chặt kiểm soát biên giới mà không có những biện pháp dự phòng an toàn và hợp pháp sẽ làm gia tăng hỗn loạn.
Không hài lòng với cách xử lý khủng hoảng di cư của nhiều quốc gia EU, báo cáo thường niên của Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) - tổ chức có trụ sở tại thủ đô London (Anh) - đã chỉ trích việc một số quốc gia EU tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn làn sóng người di cư lớn chưa từng có. Tổng Thư ký AI Salil Shetty cho rằng, việc liên minh thịnh vượng nhất hành tinh không thể chăm lo các quyền lợi cơ bản cho hầu hết những con người bị ngược đãi trên thế giới là "đáng hổ thẹn".
Ông Salil Shetty kêu gọi liên minh gồm 28 quốc gia thành viên sớm thiết lập những lộ trình an toàn và hợp pháp giúp những người khốn khổ tìm đường tới Châu Âu, đồng thời cần dựa trên từng hoàn cảnh để đối xử phù hợp với họ thay vì áp đặt "hình phạt tập thể" như hiện nay. Báo cáo của AI cũng nhận định rằng, ngoại trừ Đức, đa phần các quốc gia EU đều coi việc bảo vệ biên giới của họ quan trọng hơn bảo vệ quyền lợi cũng như tính mạng của những người di cư đang ở bước đường cùng.
Một thảm họa nhân đạo không mong muốn đang hiện hữu khi nhà lãnh đạo các nước Tây Balkan (Áo, Slovenia, Croatia, Albania, Bosnia-Herzegovina, Bulgaria, Serbia, Macedonia, Montenegro) tham dự hội nghị về di cư tại Vienna (Áo) vừa đạt được sự đồng thuận trong việc tiếp tục giảm số người di cư và tị nạn tiếp nhận vào khu vực này.
Kết thúc hội nghị có tên "Cùng nhau quản lý vấn đề nhập cư" ngày 24-2, các nước trong khu vực thống nhất về việc bổ sung lực lượng cảnh sát tới các khu vực biên giới "điểm nóng" và đồng thuận việc áp đặt các tiêu chí trong việc từ chối hoặc đăng ký tiếp nhận người nhập cư. Bộ trưởng Nội vụ nước chủ nhà Áo Johanna Mikl-Leitner cho rằng, các nước Tây Balkan buộc phải sử dụng giải pháp của từng quốc gia, thay vì trông chờ vào một "giải pháp toàn Châu Âu".
"Con đường Balkan" dẫn tới Châu Âu bắt đầu từ biên giới Hy Lạp với Macedonia, tới Serbia rồi rẽ đôi tới Croatia và Slovenia. Bất chấp cái giá lạnh cũng như nguy cơ đe dọa tính mạng, dòng người di cư vẫn đổ về để đến miền đất hứa cho dù không biết được tương lai nào đang chờ đón họ. Cuối tuần qua một vụ cháy xảy ra tại trại tị nạn ở Bautzen khi ngọn lửa phá hủy tòa nhà đang được sửa sang cho người tị nạn ở bang Saxony (Đức).
Sẽ không có gì để nói nếu đây chỉ là vụ hỏa hoạn bình thường vì không ai thiệt mạng. Thế nhưng, tòa nhà dự kiến sẽ cung cấp chỗ ở cho 300 người tị nạn bị cháy trước sự tán thưởng của người qua đường khiến dư luận không khỏi quan ngại về cuộc sống của những người di cư tại Đức cũng như Châu Âu khi sự phân biệt đối xử ngày càng rõ hơn. Vì vậy, cuộc khủng hoảng di cư không chỉ là câu chuyện ở Balkan nhưng rõ ràng với chính sách cứng rắn của các quốc gia tại đây, vấn đề người nhập cư đang ngày một phức tạp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.