(HNMO) - Yacouba Sawadogo là một người nông dân châu Phi. Chỉ bằng một chiếc xẻng cùng với niềm tin vững chắc rằng nỗ lực có thể khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, ông đã đi khắp các sa mạc trong vòng hơn 30 năm qua để trồng cây tái tạo lại các vùng đất cằn cỗi.
Vào những năm 1980, một đợt hạn hán khủng khiếp đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực Sahel của châu Phi (nằm giữa sa mạc Sahara phía bắc và khu vực màu mỡ hơn ở phía nam), xóa đi hoàn toàn màu xanh và sự tươi tốt của vùng đất này. Lượng mưa giảm đi 80% và phần lớn đất đai đều hóa thành sa mạc. Để có thể sống sót, người dân địa phương phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác. Nhưng Yacouba đã chọn ở lại.
Do không biết đọc và biết viết, ông không thể tiếp cận với bất kỳ kỹ thuật hiện đại nào mà chỉ sử dụng các phương pháp nông nghiệp cổ của châu Phi có tên gọi là “zai”.
Đây là cách gieo trồng hạt giống trong các lỗ nhỏ chứa phân bón. Chúng sẽ ngập nước vào mùa mưa và nhờ đó duy trì được độ ẩm cùng các chất dinh dưỡng cho cây trong thời kỳ khô hạn nhất.
Những nỗ lực của Yacouba đã đạt được kết quả tương đối khả quan, giúp chất lượng đất trồng tăng lên đáng kể. Ngoài kê và cao lương, ông cũng dự tính trồng thêm các loại cây mới giúp đất tăng khả năng trữ nước và bổ sung lượng nước ngầm.
Câu chuyện của Yacouba đã trở nên nổi tiếng khắp thế giới. Năm 2010, một bộ phim tài liệu với tên gọi “The Man Who Stopped the Desert” (tạm dịch: Người đàn ông chặn đứng sa mạc) đã được thực hiện với nội dung chính là quá trình phục hồi rừng tại địa phương và các chương trình đào tạo dành cho những người muốn tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt của Yacouba.
Phương pháp “zai” hiện đang được giảng dạy cho những người nông dân và áp dụng trong khu vực để duy trì nguồn cung thực phẩm và thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.