(HNMO) - Bức tranh ôtô nhập khẩu trong khoảng thời gian nửa đầu năm 2018 được dự báo là sẽ rất ảm đạm cho dù nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao sau quãng thời gian cả năm 2017
Honda CR-V thế hệ mới tuy bán chạy gần đây, nhưng sẽ hiếm hàng trong thời gian tới. |
Kết quả tươi vui, tương lai ảm đạm
Ngày 2-2, Honda Việt Nam cho biết tính tới hết tháng 1-2018, số CR-V thế hệ mới đã giao tới tay khách hàng là 737 chiếc xe, cao gấp 2 lần so với mức hơn 300 xe - doanh số bán hàng trung bình theo tháng của cả năm 2017.
Dù đây là một thành công về mặt doanh số đối với thương hiệu của Nhật Bản, không thể phủ nhận những khó khăn lớn hơn đang nằm ở phía trước. Sau khi bán hết 737 chiếc, lô hàng CR-V đầu tiên (và cũng là duy nhất) Honda nhập về từ tháng 12-2017 để phục vụ giai đoạn đầu năm. Trong khi đó, hãng này vẫn chưa xác định chính xác thời điểm nào có thể hoàn thiện thủ tục để tiếp tục đưa xe về Việt Nam. Dĩ nhiên, câu chuyện như vậy không chỉ diễn ra với Honda. Từ giữa tháng 1, Toyota cũng ngừng nhập một số mẫu ăn khách của mình như Hilux, Fortuner và tất cả các dòng xe sang Lexus. Như thế, các quy định của Nghị định 116/2017 vẫn tiếp tục khiến nhiều hãng ôtô nhập khẩu (nhất là từ ASEAN) gặp khó trong việc đưa xe về phục vụ dịp Tết 2018, đặc biệt là với các dòng xe tầm trung và phổ thông.
Tới nay, dù Tổng cục Hải quan chưa công bố số liệu nhập xe trong tháng 1-2018, nhưng cơ quan này cho biết, trong 15 ngày đầu năm 2018, cả nước chỉ nhập 60 ô tô nguyên chiếc các loại (trong đó chỉ có 6 ô tô dưới 9 chỗ ngồi). Nếu so với 15 ngày liền kề trước đó, hay so với cùng kỳ tháng 1-2017, lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu đầu năm 2018 giảm từ vài chục đến hàng trăm lần. Cụ thể, 15 ngày cuối tháng 12-2017 cả nước nhập 6.599 ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó có 2.866 ô tô dưới 9 chỗ ngồi; 15 ngày đầu tháng 1-2017, cả nước nhập 4.926 ô tô nguyên chiếc các loại, trong đó có 3.704 ô tô dưới 9 chỗ ngồi.
Dù gặp khó trong nhập xe về Việt Nam thời gian qua, nhưng hầu hết các hãng đều cho rằng, những chiếc xe nhập về Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đang áp dụng trong nước. Tuy nhiên, sự thuận lợi về thủ tục và nhất quán về chính sách sẽ rất cấp thiết vào lúc này. Theo đánh giá của các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, sau khi Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 03 hướng dẫn thực hiện Nghị định 116, dù một số hãng xe có thể đáp ứng các thủ tục, mỗi đơn vị cũng phải mất 4-5 tháng nữa mới có thể đưa được xe ôtô tới tay khách hàng Việt Nam.
Nhiều hãng xe đang chuyển dịch sang hướng lắp ráp tại chỗ để đáp ứng nhu cầu trong nước. |
Xe sản xuất, lắp ráp trong nước có kịp "giải nhiệt" thị trường?
Kể từ khi những thông tin ban đầu về Nghị định 116 xuất hiện, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay đầu tư cho sản xuất, lắp ráp trong nước, đặc biệt là Trường Hải, Hyundai Thành Công và Vinfast. Ở khía cạnh xe sang, Mercedes-Benz cũng không ngoại lệ.
Về phần mình, nhóm xe "bình dân" cũng có những bước chuyển mình tương tự, nhưng không quá rõ nét. Trong những ngày đầu năm 2018, Mitsubishi Việt Nam đã tung ra mẫu Outlander lắp ráp trong nước (thay vì nhập nguyên chiếc từ Nhật Bản như trước đó), trong khi Ford Việt Nam cũng hào hứng xuất xưởng những chiếc EcoSport "nội địa" đầu tiên (thay vì nhập từ Thái Lan). Điều đó cho thấy lắp ráp tại chỗ đã và đang được doanh nghiệp lựa chọn, coi là hướng tiếp cận, mở rộng thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam từ năm 2018.
Tuy nhiên, nói như thế cũng không có nghĩa là việc lắp ráp trong nước sẽ ngay lập tức giúp thị trường "giải nhiệt", đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán đang tới gần. Do phải chuyển dịch nhanh chóng, nhiều hệ thống lắp ráp xe đang phải "gồng gánh", khiến sản lượng không được đảm bảo. Thêm vào đó, việc chuyển đổi những mẫu xe ăn khách vốn lâu nay nhập nguyên chiếc sang lắp ráp đòi hỏi quy trình thủ tục và xây dựng cơ sở hạ tầng mất nhiều thời gian. Ngay như Mitsubishi Việt Nam mới chỉ duy trì được khoảng 200 công nhân lắp ráp xe trong nước. Trong khi đó, dù đang duy trì nhà máy quy mô lớn tại Đà Nẵng, Nissan Việt Nam thông qua TCIE cũng mới chỉ lắp ráp X-Trail và Sunny và phải nhập khẩu toàn bộ các mẫu còn lại - bao gồm cả chiếc Navara ăn khách (từ Thái Lan).
Người mua xe đối mặt nhiều bất cập dịp Tết
Hệ quả của việc khan hàng và những biến động khó đoán định của nguồn cung khiến một số hãng xe sau thời gian dài giảm giá mạnh bắt đầu có xu hướng chững lại, thậm chí ngược dòng. Ví dụ như một số dòng xe Toyota hiện đã cao hơn 10-40 triệu đồng so với thời điểm cuối năm 2017 (do mức giảm giá và các ưu đãi không còn nhiều). Thực trạng này diễn ra có phần nhẹ nhàng hơn với các xe lắp ráp trong nước (như thông lệ gần Tết) và một số mẫu xe sang nhập từ Châu Âu (đặc biệt là Đức) hay Mỹ, nhưng lại khá rõ nét ở các dòng xe nhập khẩu (gồm cả xe phổ thông lẫn xe sang), nhất là xe Nhật Bản nhập khẩu từ ASEAN.
Trong bối cảnh ấy, nhu cầu mua xe của người dân lại tăng cao, không chỉ bởi nhu cầu sắm phương tiện đi lại dịp Tết, mà còn bởi không ít người đã gom tiền chờ đợi trong suốt năm 2017. Tới thời điểm này, dù xe rẻ chưa thấy đâu, nhưng mong muốn sở hữu một chiếc "bốn bánh" để đưa gia đình du xuân thì đã cận kề, khiến không ít người sẵn sàng móc hầu bao.
Trong bối cảnh cầu vượt cung như thế, nhiều bất cập đã phát sinh. Thay vì sẽ được hưởng các chính sách giá bán cởi mở hơn nhờ thuế nhập khẩu giảm, người tiêu dùng giờ đây lại phải bỏ ra số tiền lớn hơn để sở hữu xe, hoặc chấp nhận điều kiện mua phụ kiện… Thậm chí nhiều người sau khi kí được hợp đồng đặt cọc vẫn thấp thỏm lo âu vì đại lý không có xe để giao. Về phần mình, các địa lý cũng rơi vào thế bị động, rất khó xoay xở.
Giữa cảnh ngành công nghiệp ô tô rối như tơ vò, người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm xe dịp xuân Mậu Tuất này chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt thòi chưa từng có trong lịch sử thị trường "bốn bánh" Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.