Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người con vĩ đại của Mỹ Hoà Hưng

HONGVAN| 19/08/2003 14:50

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 tại Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, Long Xuyên, tỉnh An Giang bây giờ, mất ngày 30-3-1980, thọ 92 tuổi.  45 năm trước, kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bác Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã tặng thưởng Bác Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của nước ta.

Bác Tôn-Ảnh:CTV

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ngày 20-8-1888 tại Cù lao Ông Hổ thuộc xã Mỹ Hoà Hưng, Long Xuyên, tỉnh An Giang bây giờ, mất ngày 30-3-1980, thọ 92 tuổi.

45 năm trước, kỷ niệm 70 năm Ngày sinh của Bác Tôn Đức Thắng, Chính phủ đã tặng thưởng Bác Huân chương Sao Vàng là phần thưởng cao quý nhất của nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu trong buổi lễ này đã khẳng định: "… Đồng chí Tôn Đức Thắng là một người con rất ưu tú của Tổ quốc, suốt 50 năm đã không ngừng hoạt động cách mạng, mười bảy năm bị thực dân Pháp cầm tù, chín năm tham gia lãnh đạo kháng chiến, bốn năm phấn đấu để giữ gìn hoà bình thế giới và đấu tranh cho sự nghiệp thống nhất nước nhà. Đồng chí Tôn Đức Thắng tuy tuổi tác đã cao, nhưng vẫn cố gắng để phụ trách nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí là một gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân".

Năm 1960, Bác Tôn Đức Thắng làm Phó Chủ tịch nước. Tháng 9-1969, sau khi Bác Hồ mất, Bác Tôn được cử làm Chủ tịch nước. Vì sức khoẻ không còn bằng trước, nhiều lần Bác Tôn xin rút, nhưng Bộ Chính trị đã quyết nên Bác cố gắng làm việc.

Năm nay, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888-20/8/2003), trong không khí sôi động của cả nước tưng bừng kỷ niệm 58 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9. Nhiều hoạt động diễn ra dồn dập ở An Giang và trong cả nước: Liên hoan Búp sen hồng lần thứ 12, chung kết giải bóng đá U21 của báo Thanh niên, trao giải cuộc thi thơ ca và tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Và một cuộc hội thảo khoa học với chủ đề "Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cách mạng Việt Nam và quê hương An Giang" do Tỉnh uỷ An Giang và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Các đại biểu đều đến thăm khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và thành kính thắp nhang tưởng niệm Bác- Người con vĩ đại của Mỹ Hoà Hưng "sớm có lòng yêu nước, thương dân và tinh thần đấu tranh cách mạng, không chịu áp bức bất công, là nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, có nhiều cống hiến to lớn trong phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Chủ tịch Tôn Đức Thắng là người tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng suốt đời cần, kiệm, liêm, chính phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, là người tiêu biểu cho tinh thần quốc tế cao cả, trong sáng thủy chung".

Cuộc hội thảo khoa học này cũng đưa ra một kết luận "Tình bạn chiến đấu thân thiết lâu năm giữa Bác Hồ và Bác Tôn". Vậy Bác Hồ gặp Bác Tôn từ khi nào? Lần theo tư liệu lịch sử thấy rằng ngay những ngày làm thợ trên đất Pháp, anh Tôn Đức Thắng biết đến một người Việt Nam đã sang Pháp với những bài báo ký tên Nguyễn ái Quốc, gợi cho cuộc đời lính thợ nơi đất khách quê người nỗi nhớ cồn cào Tổ quốc Việt Nam và quê hương Mỹ Hoà Hưng. Nguyễn ái Quốc đã nói hộ điều thầm kín trong đáy lòng Tôn Đức Thắng và nỗi khát khao được gặp Nguyễn ái Quốc bắt đầu từ đấy.

Sau này, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng là một đầu mối phát tán báo "Người cùng khổ" do Nguyễn ái Quốc chủ trương và coi "Bản án chế độ thực dân Pháp" do Nguyễn ái Quốc viết là bảo bối tuyên truyền giác ngộ công nhân, xây dựng Công đoàn. Còn Nguyễn ái Quốc căn dặn hai học viên trường Hoàng Phố là Phan Trọng Bình và Nguyễn Văn Lợi tình nguyện về Nam Kỳ gây cơ sở: "Về Sài Gòn các đồng chí cố tìm cho được anh thợ máy Tôn Đức Thắng". Tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội phải gây dựng phong trào trong công nhân. Anh thợ máy Việt Nam tham gia vụ binh biến Hắc Hải bị đế quốc Pháp thải hồi về nước chính là Tôn Đức Thắng.

Trong những năm Bác Hồ còn khoẻ mạnh, mỗi tháng một lần, chiều thứ bảy, Bác Hồ hẹn Bác Tôn đến ăn cơm chung. Những năm sau này, khi Bác Hồ đã yếu, mỗi lần ra trước đồng bào, Bác Hồ thường dặn Bác Tôn "để tôi nắm tay cụ đi cho đồng bào khỏi thấy". Có lần, trong câu chuyện với những người cộng tác bên mình, Bác Tôn tâm sự: "Mình với Bác Hồ có giống nhau cũng vì cùng là người thợ. Nhưng mình chỉ bằng Bác Hồ được về mặt lao động thôi. Về chính trị cũng như văn học mình không sánh được, Bác Hồ là bậc thầy"…

Cuối năm 1955, Bác Tôn được Uỷ ban Giải thưởng Hoà bình quốc tế Lê- nin tặng Giải thưởng Lê- nin "Vì hoà bình và hữu nghị giữa các dân tộc". Bác Tôn nói trước nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng là với đồng bào cả nước: "Giải thưởng này tặng cho tôi, nhưng cũng là tặng đồng bào toàn quốc, trong đó có đồng bào miền Bắc, đồng bào miền Nam. Số tiền thưởng mười vạn rúp, tôi xin biếu lại nhân dân để dùng vào công tác xã hội có ích lợi chung". Trường Mầm Non 20-10 Hà Nội là một trong những đơn vị được nhận số tiền thưởng của Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng.

Trung thu năm 1977, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã đến thăm Ttường Mầm Non 20-10. Bác đã tặng quà và vui chơi với các cháu. Trong sổ truyền thống của nhà trường, Bác Tôn Đức Thắng đã ghi lại cảm tưởng ngày 26-9: "Tôi rất vui mừng thấy các cháu mạnh khoẻ. Tôi mong các cô nuôi dạy trẻ hãy làm thật tốt nhiệm vụ vẻ vang của mình, nuôi các cháu khoẻ, dạy các cháu ngoan, xây dựng vườn trẻ 20-10 thành vườn trẻ kiểu mẫu".

Cả 19 lớp mẫu giáo và nhà trẻ của Trường Mầm Non 20-10 Hà Nội - lớp nào cũng trang trọng treo tấm ảnh Bác Hồ và Bác Tôn chụp chung, lại còn chăng đèn kết hoa trông rất đẹp… Câu chuyện kể của các cô giáo vào những ngày đầu năm học đã gieo vào ký ức bao thế hệ mầm non về tình thương yêu của Bác Tôn đối với mầm non của đất nước. Trường 20-10 thực hiện tháng thi đua, phấn đấu xứng đáng là "Lá cờ đầu ngành học mầm non" để thiết thực kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Bác Tôn.

Mai Trang
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người con vĩ đại của Mỹ Hoà Hưng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.