Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người chăn nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ

Ngọc Quỳnh| 15/03/2023 15:42

(HNMO) - Hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm tiếp tục giảm mạnh, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, trong khi giá thức ăn chăn nuôi chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Để giảm thiệt hại, các hộ chăn nuôi cần tái đàn theo nhu cầu của thị trường và có biện pháp hạ giá thành sản xuất

.

Giá giảm do sức mua giảm

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, giá lợn hơi ngày 15-3 tiếp tục giảm, dao động khoảng 46.000-49.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hôm qua. Tại miền Trung, Tây Nguyên, giá lợn hơi giảm xuống còn 47.000-50.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại miền Nam là 49.000-52.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ, nhất là đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ.

Bà Phạm Thị Cưa, chủ hộ chăn nuôi ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) cho biết, giá thành chăn nuôi dao động 58.000-62.000 đồng/kg, trong khi đó, giá lợn hơi từ sau Tết Nguyên đán Quý Mão đến nay liên tục giảm trước bối cảnh giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng cao, từ 30-40%, có lúc tăng 70-80%. Thời gian tới, nếu giá lợn hơi không tăng, người chăn nuôi rất khó duy trì sản xuất.

Giá lợn hơi có chiều hướng tiếp tục giảm.

Chăn nuôi gia cầm cũng đang thua lỗ không kém. Ông Dương Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chăn nuôi Bình Minh (tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện nay, giá gia cầm luôn ở trạng thái thấp hơn giá thành; giá gà trắng chỉ 20.000 - 23.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg, trong khi đó, giá thành sản xuất từ 30.000 - 32.000 đồng/kg. Gà lông màu 33.000 - 37.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 39.000 - 43.000 đồng/kg.

Theo các chủ trang trại, đàn gia súc, gia cầm trong nước tăng nhưng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt giảm mạnh do khó khăn kinh tế, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ thịt ở các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể giảm do nhiều công ty cắt giảm lao động vì thiếu đơn hàng.

Còn theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Dương Tất Thắng, không riêng ở Việt Nam, mà giá lợn hơi tại các nước cũng giảm, thậm chí mức giảm mạnh hơn Việt Nam. Chẳng hạn, ở Trung Quốc, giá lợn hơi hồi tháng 10-2022 là 87.000 đồng/kg, hiện nay còn 55.000-58.000 đồng/kg.

Ở những nước xuất khẩu thịt lợn hàng đầu thế giới như Mỹ, Brazil…, giá lợn hơi cũng giảm rất mạnh từ 45.000 đồng/kg xuống còn 34.500 đồng/kg. Hy vọng sang quý II-2023, giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ giảm, từng bước tháo gỡ khó khăn cho hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Hiện nay, hầu hết thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã được đưa về 0%; riêng mặt hàng khô dầu đậu tương còn chịu mức thuế 2% và đang được kiến nghị đưa về 0%.

Hình thành chuỗi liên kết để tiêu thụ

Để chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững và ổn định nguồn cung - cầu trong nước, theo ông Đặng Đình Tiên, Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), các ngành chức năng cần hỗ trợ về vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì sản xuất; đưa ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Giá gia cầm cũng giảm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, hiện nay, giá thịt gia súc, gia cầm đều có xu hướng giảm. Để ổn định tình hình chăn nuôi, các trang trại cần liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi khép kín, hình thành chuỗi chăn nuôi hoàn chỉnh cung cấp ra thị trường. Cùng với đó, các hợp tác xã, trang trại cần tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp, giảm giá thành sản xuất; đầu tư công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đầu tư sơ chế, chế biến sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đang chỉ đạo quyết liệt trong việc phát triển vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên (ngô, khoai mì...) để từng bước giảm phụ thuộc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp các thủ tục xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra nước ngoài.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, người chăn nuôi cần liên kết, đầu tư sản xuất cho khâu giống; phương thức chăn nuôi cũng cần thay đổi, tiếp cận công nghệ mới khép kín, tự động hóa; xử lý được vấn đề môi trường. Ngành chăn nuôi cũng cần quan tâm đầu tư sơ chế, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm gắn với chuỗi phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

Về lâu dài, các địa phương cần tăng cường quản lý giá bán sản phẩm đầu vào, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y; xây dựng kế hoạch tái đàn, chăn nuôi theo tín hiệu thị trường, tránh tình trạng cung vượt cầu khiến giá giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người chăn nuôi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Người chăn nuôi đứng trước nguy cơ thua lỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.