(HNM) - Sinh ra tại Thanh Trì (Hà Nội), tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1989 nhưng chỉ một năm sau đó, bác sỹ Đỗ Trọng Ánh lại "bén duyên" với vùng đất phương Nam, trở thành một trong những bác sỹ đóng góp lớn cho Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh. Bây giờ, trong góc nhìn của một giám đốc bệnh viện, ông lại day dứt rằng, ngành y tế còn cần lắm những thay đổi lớn vì sức khỏe nhân dân…
Khắc khoải
Câu chuyện giữa chúng tôi không bắt đầu từ việc ông đang làm, mà là những cảm xúc về quê hương của ông, khi nghe tới "Báo Hànộimới". Có lẽ, với người tha phương, nghe một tiếng quê hương cũng làm bùng lên ký ức dồn nén. "Tôi sinh ra ở Thanh Trì - Hà Nội. Trước đây, Thanh Trì vốn là vùng đất giàu truyền thống một trong những vùng đất mang đặc trưng nông thôn miền Bắc. Khi trong làng có người mất, tất cả thanh niên tập hợp thành đội làm nghi lễ đưa tang mà không cần thuê bên ngoài. Hạ tầng đường sá nông thôn cũng được xây dựng nhờ đóng góp của cộng đồng. Người dân sống chan hòa, thanh bình lắm…". Rồi ông bảo, không thể nào quên được hình ảnh bạn bè xóm làng khi còn bé, suốt ngày í ới rủ nhau đi xiên lá khô đem về làm chất đốt… Rồi ông cười rằng, hồi bé rất khoái món bún ốc. Bây giờ mỗi lần có dịp ra Hà Nội, ông đều cố gắng sà vào quán bún ốc nhưng khẩu vị ngày nay đã khác xưa rồi.
Bác sỹ Đỗ Trọng Ánh. |
Ngồi trò chuyện, bác sỹ Đỗ Trọng Ánh không bao giờ để ly trà của chúng tôi cạn. Phong thái uống trà của ông có một nét gì đó rất riêng, ung dung, điềm đạm. Theo ông, người Hà Nội đến các vùng khác sinh sống luôn có ý thức tiếp thu cái hay, cái tốt. Dù sống ở bất kỳ đâu, người Hà Nội luôn giữ được cốt cách sẵn có nhưng cũng luôn thể hiện mình là con người của vùng đó một cách rất tự nhiên.
Nhắc đến sự "bén duyên" mảnh đất phương Nam, ông vui vẻ: "Tôi tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 1989 nhưng chỉ một năm sau đó, xung phong vào miền Nam công tác. Hồi mới vào, đi công tác ở Đà Lạt, tôi bất ngờ chứng kiến một nữ y tá lớn tuổi đã cúi đầu chào và trân trọng khi gọi chúng tôi là "bác sỹ". Chỉ mới tốt nghiệp ngành y, mặt mũi còn… non choẹt nhưng được trân trọng đến vậy, tôi rất ngạc nhiên, không ngờ người miền Nam lại kính trọng thầy thuốc đến vậy. Điều này giúp tôi thêm yêu nghề hơn và ở lại công tác đến tận bây giờ!".
Vào TP Hồ Chí Minh, bác sỹ Ánh làm tại Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ bại liệt TP (được thành lập năm 1983, tại số 70 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3). Hàng chục năm dốc hết tâm, trí, lực, ông cùng với đồng nghiệp nơi đây đã giúp trung tâm không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Nhiều năm qua, tập thể y bác sỹ đã phát huy nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học được đánh giá cao. Trước sự lớn mạnh của trung tâm cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, tháng 10-2011, trung tâm được chuyển đổi thành Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH, có nhiệm vụ khám bệnh, điều trị, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng vận động cho người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội, người khuyết tật, người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các đối tượng khác. Hiện nay, bệnh viện có quy mô 120 giường, gần 100 cán bộ công nhân viên, trong đó có 8 cán bộ chuyên môn y tế sau đại học, 9 bác sỹ, 14 người có trình độ đại học và 60 người có trình độ trung cấp, sơ cấp hoặc kỹ thuật chỉnh hình. Được biết, từ ngày thành lập đến nay, bệnh viện đã phẫu thuật cho hơn 8.300 bệnh nhân, phục hồi chức năng cho 280.000 lượt người và sản xuất trên 20.500 dụng cụ chỉnh hình. Bệnh viện đã vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba do Nhà nước trao tặng.
Những trăn trở
Dù ở cương vị là Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP nhưng hằng ngày bác sỹ Ánh luôn có mặt ở các khu vực khám và điều trị bệnh. Ông cũng thường xuyên trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, thậm chí tự mình giúp bệnh nhân tập các động tác phục hồi chức năng. Khi câu chuyện giữa chúng tôi chuyển hướng sang ngành y tế, người con Hà Nội đó lại bùng lên sự trăn trở đến day dứt về những tồn tại của ngành. "Bộ môn phục hồi chức năng rất khó tìm nhân lực. Nhiều sinh viên ngành y khi mới ra trường tỏ ra rất thích thú với chuyên khoa này nhưng làm được một thời gian thì xin chuyển đi. Rất ít em gắn bó lâu dài. Vì sao ư? Bộ môn phục hồi chức năng đến nay vẫn chưa được quan tâm thỏa đáng. Các trang thiết bị cũng chưa được đầu tư đúng mức!".
Trong khi đó, theo bác sỹ Ánh, việc phục hồi chức năng liên quan đến cơ, xương, khớp sau điều trị rất quan trọng. Người bệnh sẽ được phục hồi hoàn toàn và tránh được tai biến cũng như các di chứng tái phát về sau. "Tôi đơn cử trường hợp sau khi được cấy nối gân, khớp người bệnh được điều trị phục hồi chức năng đúng phương pháp thì thời gian lành bệnh có thể rút ngắn 2-3 lần" - bác sỹ Ánh nói và cho hay, công việc này đòi hỏi cả bệnh nhân, bác sỹ điều trị, nhân viên điều dưỡng phải có tính kiên nhẫn.
Khi chúng tôi hỏi về bức xúc lớn nhất hiện nay của ngành y, chính là tình trạng quá tải bệnh viện nói chung, dẫn tới việc điều trị chưa thực sự hiệu quả, ông thẳng thắn phân tích, có ba nguyên nhân lớn: Thứ nhất, quy hoạch cơ sở vật chất và nhân lực ngành y trước đây đã không phù hợp với nhu cầu hiện nay. Các nhà làm quy hoạch với tư duy tuyến trên phải là tuyến tốt nhất, trang thiết bị hiện đại nhất, đội ngũ bác sỹ giỏi nhất. Còn tuyến dưới thì trang thiết bị sơ sài, bác sỹ chuyên môn hạn chế dẫn tới không chỉ điều trị không hiệu quả mà còn dẫn đến tình trạng vượt tuyến. Thứ hai, hạ tầng giao thông phát triển giúp người bệnh từ các vùng miền xa xôi có thể dễ dàng đến các tuyến trên để khám bệnh. Và thứ ba là do tính cộng đồng, hễ một người đi khám ở bệnh viện nào đó thì cả họ, cả làng đến theo.
"Nếu không nhanh chóng chuyển mình, lĩnh vực y tế hiện đã "nóng", sẽ còn "nóng" dài dài. Sự bức xúc của người dân trong khám và điều trị bệnh sẽ còn đó …!" - bác sỹ Ánh thẳng thắn khi tạm biệt chúng tôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.