(HNM) - Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 5 - năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) - địa chỉ trưng bày khác những kỳ trước, được xem là khá phù hợp với loại hình này.
Đây là kỳ đầu tiên khoảng cách tổ chức được rút ngắn 3 năm/lần, thay vì 5 năm/lần như trước. Vì thế, số lượng 201 tác phẩm triển lãm, chọn từ 538 tác phẩm của 283 tác giả tham dự, đông hơn so với những kỳ trước, nhưng vẫn quá ít so với thực tế. Bởi, hiện nay, cả nước có trên 4.000 làng nghề với hàng chục triệu lao động sống bằng nghề thủ công truyền thống. Ngành thiết kế thời trang, thiết kế đồ họa có lực lượng trẻ rất lớn, nhưng xuất hiện không nhiều tại đây. Nêu ra điều này để đơn vị tổ chức suy nghĩ, thay đổi sao cho kỳ tới thu hút hơn.
Tuy vậy, theo đánh giá của giới chuyên môn, triển lãm lần này thấy rõ những giá trị truyền thống đang song hành cùng những phát triển của công nghệ mới và xu hướng thiết kế quốc tế. Cụ thể, các tác phẩm loại hình thiết kế sáng tạo có nhiều ý tưởng mới mẻ, cập nhật xu hướng công nghệ mới và đa dạng trong tìm tòi, thể nghiệm, hướng tới lợi ích cộng đồng. Còn những tác phẩm ở mảng sản phẩm ứng dụng vẫn dựa trên nền tảng thủ công truyền thống với các chất liệu mây tre, gốm sứ, sơn mài, gỗ, giấy, da, kim loại, vải, thổ cẩm..., nhưng được sáng tạo với phong cách hiện đại, táo bạo hơn.
Khác với mỹ thuật tạo hình, triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc có tác phẩm gần gũi, dễ xem và dễ hiểu với phần đông công chúng. Triển lãm diễn ra trong 2 tuần, ở không gian rộng, chuyên nghiệp, luôn có đông đảo người xem, mở ra hy vọng thành cầu nối, tạo những cái “bắt tay” giữa nhà thiết kế, nghệ sĩ, nghệ nhân với các doanh nghiệp, làng nghề và xa hơn là đưa sản phẩm mỹ thuật ứng dụng của Việt Nam bước ra trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.