Khi chiếc thuyền đưa phóng viên Rupert Wingfield-Hayes đến vùng biển quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông, anh không khỏi rùng mình mục sở thị cảnh ngư dân Trung Quốc biến một hệ sinh thái biển đa dạng thành “bãi tha ma” dưới đáy biển.
"Bãi tha ma" san hô trên Biển Đông, hậu quả hoạt động của ngư dân Trung Quốc trên khu vực. |
Trước khi đến khu vực này, phóng viên Rupert của BBC đã được cho biết về việc ngư dân Trung Quốc cố ý phá hủy các rạn san hô. Nhưng khi đi thuyền đến hiện trường vụ thảm sát rạn san hô, mức độ tan hoang của khung cảnh vẫn không khỏi khiến Rupert choáng váng.
Ít nhất 12 con thuyền nhỏ của Trung Quốc neo trên một rạn san hô, kéo theo những vệt trắng cát và sỏi nối dài phía sau. Theo lời của một thị trưởng người Philippines trước khi phóng viên Rupert lên đường, “chuyện diễn ra ngày rồi đêm, tháng này rồi tháng khác. Tôi nghĩ đây là hành động có chủ đích”. Và phải đến lúc chứng kiến, anh mới thực sự tin.
Đi trên một con thuyền do ngư dân Philippines điều khiển vào giữa khu vực những người Trung Quốc đang hoạt động, phóng viên BBC chứng kiến cảnh ngư dân Trung Quốc neo thuyền vào rạn san hô trong lúc tiếng động cơ vang lên rền rĩ. Ngư dân người Philippines cho biết, những người Trung Quốc này đang dùng chân vịt để phá rạn san hô.
Hoạt động phá san hô diễn ra công khai trên biển. |
Theo mô tả của Rupert Wingfield-Hayes khi lặn xuống biển, phía bên dưới mặt nước là cả một “sa mạc” với mảnh vụn san hô chất và vương vãi như những đống xương.
Cách đó một quãng, hai người đàn ông Trung Quốc bước đi trên đáy biển, khênh theo một con trai khổng lồ với đường kính ít nhất 1m. Con trai này được tập kết đến vị trí gần 3 con trai khác đã được bắt trước đó. Để đạt được kích thước này, loài trai biển cần khoảng 100 năm tuổi và được bán với giá từ 1.000 – 2000 USD/cặp. Rõ ràng, việc săn và bán những loài đang gặp nguy hiểm và được bảo vệ mang lại nhiều lợi nhuận hơn việc đánh cá.
Khi phóng viên Rupert trở lại thuyền và đi vòng quanh, anh phát hiện trên một nhóm những con thuyền mẹ gần đó, hàng trăm con trai như vậy đang được chất đống. Và những người Trung Quốc trên biển không tỏ ra sợ hãi gì trước ống kính phóng viên.
Ngư dân Trung Quốc không lấy gì làm sợ hãi ống kính phóng viên. |
Hồi tháng 5/2014, một con tàu của Trung Quốc từng bị cảnh sát biển Philippines bắt giữ với 500 con rùa biển Hawksbill, đa số đều đã chết trên tàu. Rùa biển Hawksbill là loài đang trong tình trạng nguy hiểm và cần được bảo vệ. Một tòa án của Philippines đã kết án 9 người Trung Quốc một năm tù giam.
Một cảnh sát Philippines cho hay, tình trạng phá hủy san hô do ngư dân Trung Quốc thực hiện đã kéo dài ít nhất hai năm. Khi được hỏi vì sao những kẻ săn trộm trên biển không bị đuổi đi dù cảnh sát biển Philippines có vũ trang, người này trả lời: “Quá nguy hiểm. Chúng tôi không muốn khơi mào một cuộc chiến tranh nổ súng với Hải quân Trung Quốc”.
Ảnh chụp từ vệ tinh đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc đang bồi đắp, xây dựng trái phép. |
Cũng theo ghi nhận của phóng viên Rupert, mức độ bị tàn phá của rạn san hô ở đây chưa là gì nếu so sánh với sự hủy hoại môi trường từ việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở gần khu vực này. Đá Vành Khăn nằm trong vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là vị trí mới nhất Trung Quốc vừa hoàn thiện công việc xây dựng trái phép. Một công trình dài 9km là cả 9km san hô sống bị chôn sống ngay dưới hàng triệu tấn cát và sỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.