Nhiều ngư dân tại tỉnh Quảng Nam đã phải bán tàu mình đang có để có vốn đối ứng vay ngân hàng đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tuy nhiên, do vướng ở khâu giải ngân mà ngư dân phải chờ đợi lâu ngày nên lâm vào cảnh thất nghiệp…
Đang là mùa cá nam, thời điểm mà ngư dân các tỉnh miền Trung luôn “hái ra tiền” vì trời yên, biển lặng, thuận lợi để vươn khơi đánh bắt, song nhiều ngư dân của huyện Thăng Bình (Quảng Nam) lại trong tình trạng thất nghiệp.
“Tàu bán rồi chẳng biết làm gì nên thất nghiệp. Đã thất nghiệp thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng, chúng tôi khó một thì các thuyền viên (lao động theo tàu) càng khó gấp bội. Họ đã cam kết sẽ không bỏ chúng tôi để theo chủ tàu khác giờ cũng thất nghiệp, khốn khó”, ông Nguyễn Văn Cứ (57 tuổi, trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh, Thăng Bình) chia sẻ.
Theo ông Cứ, để có tiền làm vốn đối ứng với ngân hàng, điều kiện bắt buộc khi vay đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, tháng 9-2015, ông đã bán chiếc tàu vỏ gỗ của mình, trị giá 1,8 tỷ đồng, với giá bán chỉ 1 tỷ đồng. Thế nhưng, sau khi bán tàu, vào tháng 11-2015, ông đến ngân hàng để nộp hồ sơ xin vay vốn đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67, nhưng chờ mãi cho đến nay vẫn không nhận được sự hồi âm nào từ phía ngân hàng.
Ở xã Bình Minh có nhiều trường hợp ngư dân cũng bán tàu lấy tiền làm vốn đối ứng với ngân hàng để vay đóng mới tàu theo Nghị định 67, nhưng chưa được duyệt.
Một tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân tỉnh Quảng Nam được đóng mới theo Nghị định 67. |
“Cùng với anh Cứ, chúng tôi cũng đã đến chi nhánh một ngân hàng có cho vay đóng tàu 67 huyện Thăng Bình, sau 22 ngày xét duyệt hồ sơ xin vay, chúng tôi bị ngân hàng này từ chối với lý do không đủ điều kiện để vay nhưng hỏi lại thiếu điều kiện cụ thể là gì thì họ không giải thích. Sau đó, chúng tôi rút hồ sơ và đến một chi nhánh ngân hàng khác ở TP Tam Kỳ để nộp hồ sơ xin vay. Đã gần 10 tháng qua chúng tôi cũng không nhận được hồi âm nào của ngân hàng này”, ngư dân Trần Công Mậu (trú thôn Tân An, Bình Minh) buồn bã cho biết…
Tương tự, tại các xã Bình Dương, Bình Nam (Thăng Bình) cũng có nhiều ngư dân chung cảnh ngộ, dù được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt, quyết định đưa vào danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ và các ngư dân này đã bán tàu vỏ gỗ để lấy tiền làm vốn đối ứng cho ngân hàng khi vay vốn đóng tàu mới vỏ thép theo Nghị định 67, nhưng cuối cùng vẫn bị ngân hàng từ chối, hoặc thờ ơ, không trả lời.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Ban chỉ đạo 67 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức rà soát và tham mưu UBND tỉnh thực hiện 11 đợt phê duyệt mới, 11 đợt phê duyệt điều chỉnh. Danh sách đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 của tỉnh Quảng Nam hiện nay là 107 chiếc; trong đó đóng mới 90 chiếc, gồm 82 tàu khai thác và 8 tàu dịch vụ hậu cần, 17 tàu nâng cấp máy chính. Đến ngày 15-5-2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã ký kết hợp đồng tín dụng và cam kết cho vay đóng mới 39 tàu (20 vỏ gỗ và 19 vỏ thép) với giá trị cam kết đầu tư 382,1 tỷ đồng, đã giải ngân 281,1 tỷ đồng.
Về những vướng mắc mà ngư dân gặp phải trong quá trình vay vốn đóng mới tàu theo Nghị định 67, ông Tấn cho rằng, nguyên tắc, phía ngân hàng luôn phải đảm bảo tiền cho vay được thu hồi nên ngư dân cần chứng minh được với ngân hàng là khi đưa tàu đóng mới vào hoạt động sẽ trả được tiền lãi lẫn tiền gốc cho ngân hàng thì mới được.
“Con tàu vỏ thép giờ cũng cả chục tỷ đồng. Do đó, ngư dân có tàu vỏ thép thì cũng như chủ một công ty hạng vừa rồi; cần phải thay đổi dần tư duy làm ăn theo cách truyền thống sang tư duy theo kiểu kinh tế thị trường. Ngư dân cần thuyết phục được ngân hàng rằng mình đủ cơ sở để trả tiền đã vay thì mới được. Còn về phía Sở, để hỗ trợ ngư dân trong việc tiếp cận vận hành tàu vỏ thép, hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức 15 lớp đào tạo quy mô 35 học viên/lớp; và đã tổ chức được 2 lớp cho 70 học viên tại huyện Thăng Bình. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn cho ngư dân về các chính sách bảo hiểm”, ông Tấn cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.