Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngổn ngang nỗi lo chuyện đê, kè

Ngọc Minh - Chí Đạo| 10/07/2010 08:18

(HNM) - Mùa mưa bão đến gần, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra trên sông Hồng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang đê, tạo ẩn họa khôn lường đe dọa đời sống và lao động sản xuất. Đi thực tế dọc tuyến đê hữu Hồng trên địa bàn các huyện Thường Tín, Phú Xuyên... nhóm PV Hànộimới còn nhận thấy nhiều xe tải quá khổ chở cát lưu thông đã phá nát mặt đê và tình trạng đổ vật liệu xây dựng vô tội vạ trên mặt, hành lang đê đang có chiều hướng gia tăng.

Khai thác cát trên sông Hồng tại địa phận xã Hải Bối (huyện Đông Anh). Ảnh: Thu Giang


"Cát tặc" và những chuyện thường ngày
Tại bãi Bổ Đầu thuộc địa phận giáp ranh 2 xã Thống Nhất và Vạn Điểm, chúng tôi thực sự lo cho hành lang, mặt đê hữu Hồng phải gánh chịu quá tải. Có rất nhiều xe chở cát trọng tải 10 đến 15 tấn chạy qua, gạch nung xếp hàng dãy dài trên mặt đê gây cản trở giao thông. Trong khi đó, theo quy định tại Luật Đê điều, xe chở vật liệu xây dựng quá khổ, quá tải phải cấm lưu hành trên đê từ ngày 1-6-2010. Trên địa bàn huyện Thường Tín, theo Phòng Kinh tế cho biết, đê hữu Hồng chạy qua địa bàn có chiều dài 16,5km, hiện có khoảng 6 bãi khai thác cát trái phép, trong đó bãi Bổ Đầu được coi là một trong những điểm nghiêm trọng nhất.

Theo những người dân địa phương, đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho tình trạng sạt lở kè thêm nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn, xã Ninh Sở (Thường Tín) cho biết, tàu hút cát hoạt động thường xuyên với cường độ lớn đã khiến kè An Cảnh, kè Xâm Thị trên địa bàn xã bị sạt trượt. "Cát tặc" cũng ngày một tinh vi và trắng trợn. Gần đây nhất, vào ngày 2 và 3-7, Phòng Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Hà Nội) đã bắt quả tang 2 tàu có trọng tải lớn đang hút trộm cát trên sông Hồng trên địa phận xã Hồng Thái (Phú Xuyên). Tại xã Thụy Phú (Phú Xuyên) từ đầu năm đến nay ngày nào cũng xuất hiện tàu từ các tỉnh Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên... đến hút cát công khai. Ngược lên các huyện phía Tây Thủ đô như Phúc Thọ, Ba Vì, Đan Phượng, tình trạng cũng tương tự. Tàu, thuyền tư nhân ngang nhiên hút cát giữa sông Hồng tại khu vực các xã Phương Độ, Cẩm Đình, Xuân Phú, Vân Phúc... Hằng ngày, tại mỗi nơi thường có 3 đến 5 tàu, thuyền cắm những "vòi bạch tuộc" xuống lòng sông hút cát.

Tàu hút cát có trọng tải gần 1.000 tấn khai thác cát trái phép bị bắt giữ ngày 5-7. Ảnh: Triệu Hoa

Dân lo lắng, cán bộ... lặng thinh?
Người dân sinh sống ven sông các xã trên cho biết, họ luôn mất ăn, mất ngủ vì lo hút cát ở lòng sông sẽ gây ruỗng chân đê, khi nước lớn tai họa sẽ ụp xuống. "Tình trạng này đã được chúng tôi phản ánh đến các cơ quan chức năng nhiều lần nhưng không được khắc phục triệt để"- chị Nguyễn Thị Thành, xã Quang Lãng (Phú Xuyên) bức xúc. Ngày 8-7, phóng viên đã liên lạc với Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều huyện Phú Xuyên, nhưng rất tiếc ông Hạt trưởng đã từ chối trả lời do bận đi họp, hẹn phóng viên xin "bút phê" của Chi cục Quản lý đê điều mới làm việc.

Với chiều dài gần 280km, hệ thống dòng sông Hồng, sông Đà, sông Đuống chảy qua, các cơ quan chức năng và địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đang phải vật lộn để chống lại vấn nạn khai thác cát trái phép cũng như các điểm tập kết nguyên, vật liệu trái quy định. Được biết, những đối tượng khai thác cát trái phép thường mua tàu công suất lớn để đối phó lại lực lượng Cảnh sát Giao thông đường thủy. Theo Đội Tuần tra kiểm soát số 3 (Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy), hiện đơn vị chỉ được trang bị 1 tàu tuần tra, 3 xuồng máy, nhưng tất cả đều cũ nên không đáp ứng được yêu cầu công việc; nhiều khi xuồng không đuổi kịp những tàu có công suất lớn của "cát tặc".

Ô tô quá trọng tải chở cát hút từ sông Hồng thuộc địa phận Bổ Đầu, huyện Thường Tín. Ảnh: Chí Đạo


Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đình Chiêu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết, cát vàng từ Phú Thọ, than từ Quảng Ninh đưa về, cát đen khai thác tại chỗ, tạo thành những núi cát chạy dọc tuyến đê ven sông Hồng, khiến sức nặng của bãi cát đè xuống, ảnh hưởng đến an toàn chân đê. Đặc biệt, tình trạng hút cát gần bờ cũng gây xói lở vào thân đê. Ông Chiêu đề nghị phải sớm có quy hoạch và phân cấp việc cấp phép khai thác cát về huyện để dễ dàng trong công tác quản lý. Ngoài ra, Chi cục PCLB và Quản lý đê điều cần cắm biển hiệu cấm xe lưu thông trên đê và biển cấm hút cát. UBND TP Hà Nội cũng đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng cát, khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm thăm dò, khai thác cát để dần đưa hoạt động này đi vào nền nếp, không ảnh hưởng đến hệ thống đê, kè.
Phòng CSGT đường thủy (Công an TP Hà Nội) cho biết, từ đầu năm đến nay đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức nhiều đợt ra quân trấn áp nạn "cát tặc". Cụ thể, đã lập biên bản xử lý hơn 100 trường hợp và hàng chục lượt chủ lập bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép, vi phạm quy định của pháp luật.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngổn ngang nỗi lo chuyện đê, kè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.