(HNMO) - Nhiều khó khăn trong vấn đề kêu gọi nguồn vốn tu bổ di tích đã được các cơ quan quản lý bàn luận sôi nổi trong buổi tọa đàm đánh giá về thi hành điều 11 Luật Thủ đô và các văn bản quy phạm pháp luật, diễn ra chiều 23-7.
Hà Nội tổ chức.
Chùa Hoàng Kim (Quốc Oai) là một trong những di tích vẫn đang chờ kinh phí để tu bổ. |
Mòn mỏi chờ được tu bổ
Một trong những khó khăn được các đại biểu nêu ra thảo luận là việc triển khai chính sách khuyến khích huy động các nguồn lực đóng góp cho công tác xây dựng và phát triển văn hóa. Theo các đại biểu, tình trạng thiếu vốn đang xảy ra ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở những huyện như: Quốc Oai, Phú Xuyên, Thạch Thất… Nhiều ngồi chùa là di tích lịch sử, văn hóa nhưng đang nằm chờ “kêu cứu” do thiếu nguồn lực để tu bổ, tôn tạo.
Ông Nguyễn Doãn Văn - Trưởng ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội cho biết, chùa Hoàng Kim thuộc quần thể di tích chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) đang mòn mỏi chờ thủ tục tu bổ từ nhiều năm nay. Thành ủy Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan quản lý có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho quá trình tu bổ công trình, nhưng việc tu bổ, tôn tạo vẫn đang bế tắc do thiếu vốn.
Nói về vấn đề thu hút nguồn đầu tư xã hội hóa, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội trong một cuộc họp về vấn đề di tích gần đây cũng nói nên nhiều khó khăn. Theo ông Động, các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến, đình, đền… vẫn phải dựa chủ yếu vào nguồn đầu tư của ngân sách Nhà nước, trong khi ngân sách của thành phố lại có hạn. Các nguồn lực xã hội hóa lại chỉ tập trung vào những công trình được thổi phồng yếu tố tâm linh, đó là lý do vì sao vẫn có những công trình được xây dựng đồ sộ, trong khi có những di tích lại bị xuống cấp ngày một nghiêm trọng nhưng không được đoái hoài.
Biến di sản thành “vàng ròng”
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, địa phương sở hữu các di sản có giá trị lớn không nên chỉ tập trung huy động tiền mặt cho công tác bảo tồn mà cần đa dạng hóa các nguồn đầu tư, thực hiện nhiều biện pháp.
Bà Bùi Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho rằng, ban quản lý các địa phương nên kêu gọi nhân dân đồng hành trong việc bảo tồn, giữ gìn di tích, chẳng hạn như kêu gọi nhân dân đóng góp bằng ngày công lao động...
Chia sẻ việc kêu gọi các nguồn nhân lực cho việc tu bổ, tôn tạo di tích, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, trung tâm đã huy động được cộng đồng xung quanh di tích cùng có trách nhiệm bảo tồn, đó là việc bỏ thói quen dắt chó, phóng uế rác thải… trên các vỉa hè xung quanh Văn Miếu. Bên cạnh đó, trung tâm cũng kêu gọi nhiều “mạnh thường quân”, các công ty tổ chức sự kiện cùng tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, phát huy giá trị di sản, thu hút khách du lịch.
Tại buổi tọa đàm, bà Tống Thị Thanh Nga - Phó Giám đốc Sở Tư pháp bày tỏ mong muốn, thời gian tới sẽ cùng ngành văn hóa Thủ đô soát lại các danh mục di sản cần phải bảo tồn, từ đó đưa ra các đề xuất giải pháp và cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho công tác giữ gìn và bảo tồn.
Theo số liệu mới nhất của Sở VH-TT Hà Nội, hiện nay thành phố có 5.922 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 2.435 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 1 di sản văn hóa thế giới, 14 di tích quốc gia đặc biệt, 1.164 di tích cấp quốc gia, 1.325 di tích cấp thành phố. Với một khối lượng di sản đồ sộ, Hà Nội có nhiều cơ hội để biến di sản thành “vàng ròng” trong việc phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng phải đối diện với nhiều thách thức trong việc bảo tồn, tôn tạo di tích, di sản.
Thời gian tới, việc hiện thực hóa Luật Thủ đô cũng sẽ có những chỉ dẫn rõ ràng, các địa phương không chỉ trông chờ vào nguồn tiền đầu tư của nhà nước mà cần phải năng động hơn trong việc tìm giải pháp phù hợp để không chỉ “cứu” mà còn nâng tầm di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.