(HNM) - Thôn Cây Chay, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai (Hà Nội) chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 25km, nhưng ít ai ngờ được đến nay vẫn còn nhiều hộ nghèo đến vậy! Cả thôn có tới 31/52 hộ thuộc diện nghèo và cận nghèo. Cũng bởi cuộc sống vất vả nên việc đến với con chữ của các thế hệ người dân có không ít gập ghềnh.
An cư nhưng chưa lạc nghiệp
Tiếng là thuộc xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai nhưng từ bao đời nay thôn Cây Chay nằm trong địa giới hành chính của xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Dù đã biết trước thôn Cây Chay vẫn còn nghèo lắm nhưng khi thấy đám trẻ chân trần, quần áo mặc phong phanh đang chơi đùa ở đầu thôn trong khi nhiệt độ đang dưới mức 10 độ C, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thấy có người lạ hỏi thăm, đám trẻ lặng lẽ đưa chúng tôi đến nhà trưởng thôn Nguyễn Văn Thêm.
Mặc dù đã có nghề phụ nhưng đời sống người dân thôn Cây Chay vẫn chưa thoát được cảnh nghèo. |
Anh Thêm kể: Tiền thân của thôn Cây Chay là thôn Cấn Giang gồm các hộ dân sống bằng nghề chài lưới lênh đênh dọc sông Tích. Khoảng những năm 1954-1955, một số hộ dân thôn Cấn Giang tách lên bờ sinh sống hình thành nên thôn Cây Chay. Kể từ ngày "an cư" đến nay, người dân Cây Chay chưa bao giờ sống sung túc. Cả thôn vỏn vẹn có 52 hộ nhưng đa phần là hộ nghèo. Nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói ở đây là do đông con, trình độ dân trí thấp. Thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng việc sản xuất ở đây rất khó khăn. Do đặc thù của thôn nên đồng đất nơi đây được chia thành 3 xứ đồng nằm trong địa giới hành chính của 3 xã: Đồng Giong thuộc xã Đông Sơn (Chương Mỹ); đồng Gò Tùy thuộc xã Đông Yên và đồng Giếng thuộc xã Cấn Hữu (Quốc Oai). Bình quân đất nông nghiệp mỗi khẩu chỉ được 1 sào 10 thước chia đều cả 3 xứ đồng, đồng xa nhất cách thôn gần 5km, kênh mương nội đồng chưa có, nước tưới, tiêu phụ thuộc vào xã, thôn bạn nên việc canh tác gặp nhiều khó khăn. Do đồng đất xa xôi, đi lại khó khăn, việc tưới, tiêu phụ thuộc nên năng suất lúa rất thấp, cao nhất cũng chỉ đạt 150 kg/sào/vụ.
Trăn trở nỗi lòng
Anh Thêm than thở, trước năm 2000, Cây Chay vẫn được coi là "điểm mù" về giáo dục. Cả thôn không có ai học hết THPT, lác đác chỉ có vài người học hết THCS, còn lại chỉ học hết tiểu học hoặc qua lớp xóa mù chữ là nghỉ. Anh Thêm cho biết, hiện cả thôn chỉ có 6 cháu đang học cấp 3, khoảng 10 cháu đang theo học THCS. Từ năm 2000 đến nay, cũng chỉ mới có 3 cháu tốt nghiệp THPT. Nói về sự học, nhiều người dân trong thôn cho rằng, lo đủ ăn còn khó nói chi đến có tiền để đóng học.
Để giúp dân Cây Chay từng bước thoát nghèo, những năm gần đây, các cấp chính quyền từ huyện đến xã quan tâm mở một số lớp dạy nghề mây, tre, giang đan cho bà con nhưng do thu nhập từ nghề thấp, không ổn định nên chỉ số ít lao động trong thôn theo nghề. Nhiều hộ dân muốn đầu tư tiền sản xuất, kinh doanh nhưng do không có vốn, việc vay mượn ngân hàng khó khăn nên đành chấp nhận sống cảnh nghèo khó.
Nhìn khuôn mặt rầu rầu, sạm đen, già trước tuổi vì cuộc sống vất vả của trưởng thôn Nguyễn Văn Thêm, chúng tôi hiểu được con đường thoát nghèo của Cây Chay còn nhiều chông gai. Anh Thêm cho rằng, bên cạnh sự vươn lên của mỗi gia đình, mỗi người dân, thôn Cây Chay rất cần sự quan tâm đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp để người dân canh tác được thuận lợi. Khi đời sống ổn định thì mới có thể lo các chuyện khác cho tương lai và chắc rằng, sẽ bắt đầu từ chuyện học…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.