Thực ra “Ngọn gió hoang” là cách mà Trần Nhật Minh ví von một người bạn của anh. Nhưng, luôn có hình ảnh người vẽ chân dung trong bức tranh anh ta vẽ bạn của mình, vì thế, không khó để nhận ra phẩm chất “ngọn gió hoang” trong đời thường và trên trang viết của Minh.
Ngọn gió ấy tự để mình trôi đi theo bản năng, lang thang gặp gỡ, làm bạn với những nhỏ nhoi, nâng niu những bé mọn mà ngỡ như trong cuộc sống bận rộn này, chẳng mấy ai còn kịp nhìn cho thấu.
1. Là dân làm báo kỳ cựu, Trần Nhật Minh đã có nhiều năm tháng “trôi dạt” với nghề. Anh ham đi, ham gặp gỡ, ham tìm hiểu. Nhưng viết văn, tên Trần Nhật Minh chưa hẳn đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Anh mới chỉ bén vào đời sống văn chương nghệ thuật đến “Những cuộc trà trên căn gác cũ” là cuốn sách thứ 2.
Tuy nhiên, bạn bè biết rất rõ, văn chương nghệ thuật bẩm sinh đã có trong Minh, từ những ngày thơ ấu lấp ló phòng văn của cha mình - nhà thơ, nhà báo Trần Nhật Lam, trên căn gác nhỏ của ngôi nhà nơi phố cổ Hà Nội, nghe và thấm những cuộc đàm đạo của cha với văn nhân nghệ sĩ nước nhà. Những cuộc đàm đạo ấy đã nuôi dưỡng một hồn văn, cũng như đặt nền móng cho những mối thâm tình văn nghệ sau này khi Minh đi làm báo. Dễ hiểu vì sao Trần Nhật Minh thường viết về bạn bè văn nghệ, hoặc ít nhiều cũng dính dáng đến văn nghệ.
Ngay từ trang viết đầu tiên “Những cuộc trà trên căn gác cũ” được lấy làm tên cuốn sách vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, người đọc như bị cuốn vào những câu chuyện văn nghệ thú vị của Trần Nhật Minh. Những cái tên vang danh đời sống văn học nghệ thuật hiện đại như Xuân Diệu, Trúc Thông, Vũ Quần Phương, Trần Lê Văn, Vân Long, Ngô Văn Phú, Ngô Quân Miện, Thanh Hào đã hiện diện trên một căn gác nhỏ, trong những cuộc đàm đạo văn nghệ của người cha còn “soi bóng thời gian”, trên trang viết của Trần Nhật Minh với bao xao xuyến thời cuộc. Nhờ những trang viết đó, ta hiểu thêm về các nghệ sĩ tiền bối, rằng có một thời “các cụ” đã sống đẹp và ân tình như thế.
“Những cuộc trà trên căn gác cũ” còn phác họa thêm nhiều gương mặt văn nghệ thuộc nhiều thế hệ khác nhau như Tô Hoài, Hoàng Nhuận Cầm, Lê Huy Quang, Lâm Huy Nhuận, Trương Hữu Lợi, Đào Hải Phong, Phạm Viết Hồng Lam, Chu Hồng Tiến, Trần Nhật Dương, Trần Thắng, Đỗ Anh Vũ, Nguyễn Quang Hưng, Phùng Gia Thế...
2. Với bạn bè văn nghệ, Trần Nhật Minh thường ngồi xuyên những cuộc rượu, nhưng khi viết về họ, tâm thế của anh là uống trà. Không phải rượu, mà chính kẻ ham thắp đèn cho “những cuộc trà trên căn gác cũ” mới khiến ta xao động những phút giây sống chậm để trở về, để hiểu bạn bè, hiểu chính mình và từ đó hiểu đời sống này.
Đọc sách của Trần Nhật Minh cần một chút thong thả, buông lơi những vội vã thường ngày, giống như người ướp trà, ủ trà rồi thưởng thức, bạn sẽ bị bất ngờ bởi những dư vị đẹp trong văn của anh. Bạn sẽ nhận ra, bên trong người đàn ông có vẻ ngoài bụi bặm, xù xì bất cần ấy ẩn chứa một tâm hồn tinh tế, dễ xao lòng trước cái đẹp của đời sống.
Một Trần Nhật Minh ưa suy ngẫm, thường hay đắm chìm trong những vùng đất của hoài niệm, của thương nhớ. Một người cầm bút thấu được sức nặng của quá khứ, vì hiểu rằng hiện tại và tương lai chỉ có thể tượng hình trên nền móng những giá trị đẹp từ quá khứ. Minh nhớ “Thời tóp mỡ”, trong “bờ tường rêu in bóng mẹ thập thững đi về, ngọn đèn chốc lát sẽ được thắp lên khe khẽ sáng một vùng ấm bình an”. Trái tim Minh trĩu nặng khi đi trong lòng con ngõ nhỏ: “Mỗi bước đi là một lần dẫm lên bước chân của bao người xa lạ, cảm giác như đang dấn thân vào thăm thẳm phận người”.
Đặc biệt khi viết về văn nhân - Trần Nhật Minh luôn có một sự soi chiếu chính mình rất riêng: “Cứ mỗi lần đi bộ dọc theo các con phố tôi lại ngẩn ngơ đi tìm mà chẳng còn thấy một khu vườn giống như trong bài thơ ấy, những âm thanh trong buổi chiều mùa thu đáng nhớ ấy” (Giữ lại giùm ta “Vườn trong phố”). Minh có nhận định rất riêng về tác phẩm của những người anh em văn nghệ. Thí dụ về thơ Hoàng Nhuận Cầm: “Thơ Cầm tạo sự rung cảm nhờ nhạc tính và sự bung nở của con chữ. Từ ngữ dùng vừa mức thì đủ ngân vang, dễ nhớ, dễ cảm, dùng quá liều sẽ trở thành sáo ngữ... Cầm đi giữa ranh giới đó một cách xuất sắc”.
Về tranh Đào Hải Phong: “Những ô cửa không nệ thực thuyết minh về thời và không gian nào. Chỉ biết nó cho ta một rung cảm, thèm khát vô cùng những bình yên mái ấm. Trong nhà, bên ngọn đèn cha đọc sách mẹ đan len, vừa đan vừa đọc mấy câu thơ cho bọn trẻ nghe, rồi lặng lẽ chăng màn cho giấc ngủ con thơ. Có lẽ tranh Phong cho ta xúc cảm ấy, một Hà Nội của một thời sạch trong, nghèo mà ấm tình, sang trọng”.
Và, về bạn thơ Chu Hồng Tiến: “Chu Hồng Tiến như người mộng du đi qua thời cuộc, nhặt nhạnh, gạn gùng những ánh nhìn ngơ ngác, những điều vụn xinh mà thiên hạ bỏ mặc”. Rồi có lúc gai người khi Minh viết về tranh bạn - họa sĩ Trần Thắng: “Con người trong tranh Thắng với những vệt xanh lét, cô đơn tựa vào nhau như muốn sinh tồn trong một không gian hoang vu lần đầu khám phá. Rồi cả những cơn mưa đỏ ập mạnh xuống như báo hiệu một sự quẫy đạp, phản kháng dữ dội của thiên nhiên...”. Còn nhiều nữa, những cảm nghiệm lay động tình người, thấm đẫm tình đời trong những trang viết của Trần Nhật Minh, như ấm trà đẫm hương sau khi đã được chắt chiu từ bàn tay người pha trà, gửi gắm những thông điệp nhân sinh trong đáy cốc.
3. Cả hai cuốn sách chạm ngõ làng văn: “Miền sau cánh cửa” và “Những cuộc trà trên căn gác cũ” Trần Nhật Minh đều náu trong một thể loại: Tản văn. Ôi chao, một thể loại tưởng dễ mà khó. Minh lại thuộc tạng viết ngắn. Anh từng chia sẻ: “Có đánh chết tôi cũng không viết được dài”. Có người nhận xét, viết ngắn thì chọn tản văn là đúng rồi. Nhưng, thật phiến diện khi nói như vậy. Tản văn không nệ ngắn chẳng nệ dài. Nó bình đẳng với mọi thể loại ở chỗ, người viết gửi gì trong đó. Trần Nhật Minh đi cùng tản văn, không phải bởi anh túm được cái xu thế đọc ngắn hiện nay. Đơn giản nó là một sự “ăn săm”, phù hợp với thể trạng tinh thần của người cầm bút. Là căn cốt của một ngọn gió đi hoang, nhặt nhạnh, tìm kiếm, nâng niu, cả chút ngẫu nhiên thi vị.
Trần Nhật Minh không bị rơi vào cái bẫy đèm đẹp của tản văn, có lẽ vì anh không có quan niệm thể loại. Anh chỉ viết cái mà anh tha thiết, về “những miền đã qua, những người đã gặp”. Viết về người khác hay chỉ là mượn cớ để viết về chính mình, những đau đáu trong trái tim nhiều trắc ẩn, những nỗi niềm bộn bề kiếp phù sinh mà một người đã đi dài rộng quá nửa đời người, đã THẤY. Có những “tản văn” của Trần Nhật Minh cho ta cảm giác, anh chỉ đi quá một chút nữa thôi, nó là một truyện ngắn. Nếu đọc lại “Miền sau cánh cửa” của Minh, sẽ thấy rất rõ cảm giác này.
Nhưng trong văn học, thể loại chỉ là cách để phân loại mà thôi. Những gì chất chứa trong nội dung tác phẩm mới là điều ta cần bàn tới. Trần Nhật Minh ở nhiều trang viết, đối với tôi còn đậm đặc chất thơ. Đúng thôi, anh sáng tác nhiều thơ, chỉ là chưa in thành tập. Trong những trang viết của Trần Nhật Minh mà tôi đã đọc, sáng lên một tâm hồn nhạy cảm, yêu thương đời sống này.
Xin mượn lời một người bạn văn nghệ - nhà văn Đào Bá Đoàn nói về những trang viết của Trần Nhật Minh: “Cái sự trọng tình neo ở từng con chữ, khó khăn theo từng nhịp điệu đôi lúc như thơ. Vời xa con nước hay khung cửa nhỏ, một chuyến đi, những ấu thơ, vài ba bịn rịn nhớ thương... không nhiều lắm mà gây xao xuyến, bồi hồi. Như cái đinh đã cũ trên thân cột cái chắc nịch - thời gian gây ải mục, han gỉ đâu đây mà nhát đóng chìm lặn cứ còn nguyên đó, đủ sức mang treo vật nặng ngàn cân...”.
Nhà văn, nhà báo Trần Nhật Minh, sinh năm 1971. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội). Hiện anh là Trưởng ban Văn học nghệ thuật VOV6 - Đài Tiếng nói Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: "Miền sau cánh cửa" - Nhà xuất bản Văn học 2020, tái bản 2022; "Những cuộc trà trên căn gác cũ" - Nhà xuất bản Hội nhà văn 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.