Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngôi nhà cuối cùng của Trịnh

Vương Tâm| 23/03/2011 18:19

(HNMO)- Đó là “Hội Quán Hội Ngộ”, ở Làng Du lịch Bình Quới, Quận Bình Thạnh, đã được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn và là nơi họp mặt thường xuyên của giới nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và những người yêu âm nhạc, mỹ thuật.

Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn


(HNMO)- Đó là “Hội Quán Hội Ngộ”, ở Làng Du lịch Bình Quới, Quận Bình Thạnh, đã được chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chọn và là nơi họp mặt thường xuyên của giới nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ và những người yêu âm nhạc, mỹ thuật. Đến nay, Hội Quán có tới gần 1000 hội viên, bao gồm những người yêu nhạc Trịnh và có tấm lòng thể hiện sự tri ân với người nhạc sĩ tài hoa đã để lại cho đời những tác phẩm âm nhạc bất hủ.

Mười năm trôi qua, từ khi Trịnh trở về với cát bụi, với bao kỷ niệm cùng “Hội quán hội ngộ”, nay đã thành “Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn”, hàng chục ngàn người yêu nhạc Trịnh đã đến đây lắng nghe những giai điệu về thân phận đời người, khắc khoải bao nỗi niềm của tâm hồn Trịnh.

Nhân dịp này, vào ngày 4-4-2011, mọi người sẽ tổ chức tại đây một Liveshow, với chủ đề “Huế-Sài Gòn-Hà Nội”; hát những bài hát của ông để tưởng nhớ và đón ông về… nhà.



Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công sơn đã nguyện mình là kẻ hát rong. Thì đâu còn chốn riêng tư cho mình. Nay đây mai đó, ở trọ với đời và mỗi ngày ông chọn một niềm vui. Hẳn thế người đời đã hát của ông: “Tôi nay ở trọ trần gian/ Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời...”

Nhưng dù ở cõi tạm trăm năm, ông sống với tình yêu lớn lao với nhân gian. Về không gian ngỡ như nơi trú ngụ hữu hạn, nhưng về thời gian không chỉ có chốn xa xăm cuối trời kia, mà ông đã sống bằng hàng triệu cuộc đời và tình nghĩa lại không cùng. Cái vô hạn của tình yêu cuộc sống ấy đã đem lại những niềm xúc động lớn lao cho người đời.

Chính những nỗi đam mê trong tình yêu của ông đã bao trùm sự sống và tạo nên những mỹ cảm trác tuyệt trong bi kịch của số phận. "Mỗi ngày, tôi chọn một niềm vui”, dù là “Biển nhớ” hay “Cỏ xót xa đưa”...Tất cả đều trở về với quán trọ tình yêu trong ông. Những nỗi buồn trong con tim ông đã đập theo một nhịp điệu khác lạ, nó lung linh hơi thở của nắng, nó reo vui theo khúc ca của biển cả, nó lắng đọng theo cánh diều tuổi thơ và nỗi buồn ấy đã trở thành một thánh địa ca tụng tình yêu.



Lại nhớ những ngày ông ôm cây ghi ta cùng hơn 5000 sinh viên ca vang “Nối vòng tay lớn” đón chào những ngày của binh minh mới tràn ngập nhân gian. Ấy là những ngày tháng tưng bừng khí thế cách mạng trước ngày giải phóng hoàn toàn tổ quốc ta. Khi ấy phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã gây một dấu ấn Trịnh Công Sơn giàu nhiệt huyết với tình yêu dân tộc. Chính hình ảnh ấy đã giải thích vì sao có một Trịnh Công Sơn tài hoa, một công dân Trịnh Công Sơn chân chính qua các những ca khúc về tình yêu cuộc sống vĩnh cửu. Đó là một loạt ca khúc đặc sắc: “Giọt nước mắt cho quê hưong”, “Gia tài của mẹ”, “Người già và em bé”, “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”, “Biết đâu nguồn cội”, “Nối vòng tay lớn”, “Ca dao mẹ”...

Trong CD “Ca khúc da vàng”, riêng bài hát “Ngủ đi con” được trao giải vàng ở Nhật Bản năm 1972. Người đời nói ông đánh đổi cả cuộc đời mình vì tình yêu đất nước và âm nhạc. Cái quán trọ trần gian này không chỉ còn là hình ảnh đơn lẻ khiêm nhường mà chính là bầu trời và đất mẹ đã nuôi dưỡng ông với nguồn sống bất tử, qua những giá trị tinh thần của một dân tộc, bền vững trong cuộc đấu tranh giành lấy tự do, dân chủ và bác ái.



Và thật kỳ diệu thay, chính từ cái quán trọ tình yêu ấy ông đã viết tiếp những ca khúc để trả nợ đời như một sự dâng hiến trọn vẹn. Có thể nói niềm hân hoan về cuộc sống mới đã reo ngân trong những lời ca giàu sức truyền cảm qua “Chiều trên quê hương tôi”, “Quỳnh hương”, “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, “Em còn nhớ hay em đã quên?”, “Đời gọi em biết bao lần”, “Huyền thoại mẹ”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”... Và đặc biệt ca khũc “Đồng dao 2000” đánh dấu một điểm chói sáng về niềm vui và tình yêu của ông đối với dân tộc.

Ở nơi quán trọ tình yêu của mình, ông luôn luôn thành thật với mọi chiều tâm tưởng và luôn luôn ngợi ca cuộc sống bằng sự gắng gỏi vượt lên số phận và bằng những giai điệu lạc quan của tâm hồn. Có người nói nỗi buồn của ông là nỗi buồn thánh (Lời buồn thánh) bởi lẽ nó xuất phát từ niềm lạc quan từ bên trong nhịp đập của con tim người nghệ sĩ. Sự ám ảnh của niềm yêu thương lãng mạn qua các ca khúc có sức sống vượt thời gian như: “Hạ trắng”, “Lời buồn thánh”, “Nắng thuỷ tinh”, “Diễm xưa”, “Một cõi đi về”, “Dấu chân địa đàng”...



Chính từ những bản tình ca xen lẫn hương vị huyền thoại và triết lý ấy đã mở đầu cho kho tàng âm nhạc của Trịnh Công Sơn với những khát vọng về hoà bình cho quê hương và ông đã nguyện sống trọn kiếp ở trọ trần gian từ đó. Tình yêu của người đời ở các quán trọ trần gian đối với ông thật cũng vô bờ bến, ngoài kỷ lục 2 triệu đĩa năm 1972 phát hành tại Nhật thì tính cho đến nay, ông cũng là người giữ kỷ lục được nhiều người yêu thích nhất từ xưa đến nay.

Từ ngày 1-4-2001, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bay trên ngọn gió vô thường, đến nay Hội Quán đã tổ chức tới 50 chương trình nhạc Trịnh, với các chủ đề như “Nối vòng tay lớn”, “Vết lăn trầm”,”Diễm xưa”, “Tuổi đời mênh mông”, “Hãy yêu nhau đi”, “Nguời về bỗng nhớ”... và mới đây là “Phúc âm buồn”. Đặc biệt nhiều đêm thu hút tới năm, sáu ngàn người đến nghe. Cùng với các đêm hoạt động âm nhạc tưởng nhớ nhạc Trịnh, nơi đây còn thực hiện nhiều chương trình của các nhạc sĩ khác như Phan Huỳnh Điểu, Bảo Phúc, Trần Mạnh Tuấn, Đỗ Lộc...

Đáng chú ý là toàn bộ hội viên và người yêu nhạc Trịnh đến đây đều không phải mua vé trong những đêm ca nhạc. Điều này đã có sức thu hút ngày càng đông người nghe và tạo điều kiện cho những ca sĩ chuyên hoặc không chuyên đều có thể đóng góp xây dựng các chương trình nhạc Trịnh ngày một có chất lượng cao hơn. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, người thường rất có duyên khi dẫn chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn, đã tâm sự: “Những đêm nhạc Trịnh tại Hội quán Hội ngộ thực sự được anh em chúng tôi dành nhiều tình cảm, tâm huyết để xây dựng chương trình, các ca sĩ cũng không lấy cát xê và hát hết mình cho những ca khúc Trịnh Công Sơn, nên chương trình được công chúng rất mến mộ”.

Nguời xem vẫn còn nhớ, mỗi người nghe nhạc Trịnh theo cách riêng của mình, người thì thắp nến, người lại ngồi nhắm mắt trên thảm cỏ, hoặc có người nhẩm hát theo từng lời bài hát một cách nhỏ nhẹ, da diết...Thậm chí có những người làm chương trình đã bỏ tiền túi ra thuê dàn âm thanh, ánh sáng với chất lượng cao để giọng hát và kỹ thuật biểu diễn của ca sĩ truyền cảm nhất đến với người nghe.

Hầu hết những chương trình tưởng niệm nhac sĩ Trịnh Công Sơn, các nhà tổ chức thường hướng khán giả nghiêng về phần nghe nhiều hơn phần nhìn. Nhiều chương trình thể hiện rất mộc nhưng lại độc đáo và có sức truyền cảm sâu sắc. Nguời nghe chìm đắm trong từng ca từ, từng nốt nhạc. Họ ngồi bên nhau, lắng nghe nhau, những nhịp đập của con tim, như một sự sẻ chia trong tâm cảm muôn nỗi cùng cõi thiền của Trịnh Công Sơn. Đúng với nghĩa tâm linh mà chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dã tự nhận mình chỉ là người hát rong đi qua miền đất này để hát lên những linh cảm của mình về sự sống và con người.

Ở đây nhiều bạn hữu của ông đã trao tặng khá nhiều kỷ vật gắn bó với sự nghiệp hơn 45 hoạt động âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Ngoài những pho tượng chân dung và nhiếp ảnh ghi lại những thời kỳ hoạt động đặc biệt của nhạc sĩ, nhà lưu niệm còn lưu trữ số lượng tư liệu lớn và hàng chục loại ấn phẩm CD, VCD, DVD với nhiều giọng hát, qua nhiều giai đoạn khác nhau khi trình bày ca khúc của Trịnh Công Sơn. Đáng chú ý có hai bộ CD, một của Khánh Ly và một nữa của giọng hát Trịnh thời còn xuân sắc trẻ trung trước 1975, ắt sẽ làm người nghe ngạc nhiên, yêu mến và cảm động.

Tại nhà lưu niệm còn có cuốn sách của nhà xuất bản Văn nghệ TP.HCM phát hành tháng 11 năm 2001, đã lưu lại những tình cảm xúc động, thương mến và kính trọng của gia đình, bạn bè và khán giả đối với người nhạc sĩ mà mình mến mộ đã sớm rũ bụi đường dài, về cõi hư vô. Sách có chương “Suy tưởng” độc đáo và những bút tích thơ, họa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Những tâm sự thật lòng của ông làm xúc động trái tim hàng triệu người đọc với những lời bộc bạch tự sâu thẳm con tim, trong bài phác thảo chân dung mình: “Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người, qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống” .

Theo thông lệ hằng năm, Hội quán Hội ngộ Trịnh Công Sơn tổ chức cuộc thi “Giọng hát hay qua ca khúc Trịnh Công Sơn”. Nhiều người tham gia, bởi lẽ họ đến đây không chỉ hát mà còn là một dịp bày tỏ những nỗi niềm tâm cảm với cuộc sống đúng như Trịnh Công Sơn đã tâm sự, trong mọi bài hát đều vang lên giai điệu, với lời ca ”Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Các cuộc thi nhằm phát hiện được những giọng hát mới của TP. HCM, với sự tài trợ của gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bạn hữu. Ban giám khảo ngoài ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh như: Lan Ngọc, Mỹ Hạnh còn có sự tham gia của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng nhà chuyên môn danh tiếng khác.

Đặc biệt năm nay, với kỷ niệm “10 năm nhớ Trịnh Công Sơn”, có 7 Liveshow lớn sẽ được tổ chức tại những thành phố lớn trên toàn quốc, công bố nhiều tư liệu quý về những kỷ niệm của ông với bạn bè, đồng nghiệp. Và, cũng tại ngôi nhà cuối cùng này của ông, người đẹp Dao Ánh, em gái của “Diễm xưa”, một mối tình thao thiết ngày nào của Trịnh, sẽ cho công bố 300 bức thư tình mà mình đã đón nhận từ người nhạc sĩ tài hoa này.



Số là vào năm 1962, Trịnh Công Sơn ngó mắt tới người đẹp Ngô Thị Bích Diễm, mỗi khi đi qua nhà mình ở đầu cầu Phủ Cam. Cô nữ sinh này có dáng cao, nét mặt trong sáng thông minh, nhìn rất đài các và hấp dẫn, với bước đi khoan thai nhẹ nhàng trên đường phố Huế. Nhưng mối quan hệ này bị gia đình nhà Diễm phản ứng, bởi hình ảnh cậu học trò Trịnh Công Sơn hay rong chơi với giới xướng ca vô loài ấy sẽ chẳng có tương lai. Thế là “Diễm xưa” ra đời trong cuộc tình đắm say một phía của anh chàng họ Trịnh. Nhưng rồi trong những lần lén đến nhà Diễm chơi, Trịnh Công Sơn bất ngờ bị một tình yêu sét đánh khác, làm anh thẫn thờ, đó là sự xuất hiện của Dao Ánh, em gái Bích Diễm. Tình chị chưa tới, thì tình em lại hút hồn người nhạc sĩ đa tình này. Khác với nét đẹp quý phái của chị, Dao Ánh lại huyền diệu bởi sự dịu dàng, đoan trang, với ánh mắt mơ mộng, hồn nhiên. Để tỏ tình một cách sâu kín nhất không gì bằng âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã rung động mạnh với tình yêu của mình qua những ca khúc như “Mưa hồng”, “Tiếng hát dạ lan”, “Mặt trời ngủ yên”. Mối tình này còn vương vấn tới hai mươi năm sau, khi gặp lai Dao Ánh, nhạc sĩ vẫn còn viết tặng người đẹp ca khúc “Xin trả nợ đời”.

Tuy mối tình không đi tới hồi kết, nhưng hai người vẫn trao gửi thư từ với nhau, khi người đẹp Dao Ánh ra nước ngoài sinh sống với gia đình. Mối tình qua những cánh thư đẹp và lãng mạn biết bao. Nhà thơ Nguyễn Duy, người được gia đình nhạc sĩ trao quyền biên tập và xuất bản, đã tâm sự: “Cách viết thư tình của Trịnh Công Sơn rất hay, rất xúc động. Chắc chắn cuốn sách này sẽ gay nhiều bất ngờ. Bởi trong đó, không chỉ có câu chuyện tình yêu giữa hai người mà còn cho người đọc thấy được nhiều thăng trầm của thời cuộc. Tôi nghĩ đây là một biểu tượng của tình yêu”.

Mười năm! Không, chẳng kể mười năm mà một ngày nào đó, mệt mỏi và có những nỗi niềm cần chia sẻ, bạn đến đây, với Nhà lưu niệm Trịnh Công Sơn, bao giờ cũng có thể nghe một bản nhạc ru chậm rãi vang lên, vỗ về an ủi bạn. Bởi nhạc của ông như một con đò chuyên chở nắng mưa, hoa quả, buồn vui...đúng như ông tâm sự, từ bến bờ này đến bến bờ khác, từ người này đến người khác chia sẻ mọi cung bậc tình yêu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi nhà cuối cùng của Trịnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.