(HNMO) - Trước tình trạng người dân sau khi thu hoạch lúa xuân đã đốt bỏ rơm, rạ trên cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường và cản trở tầm nhìn người tham gia giao thông, nhiều địa phương khu vực ngoại thành tăng cường các biện pháp ngăn chặn hành vi này; đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng rơm rạ vào mục đích hiệu quả hơn…
Tại cánh đồng xã Hòa Bình (huyện Thường Tín), sau gặt, người dân đã đốt rơm tại ruộng gần làng, gây khói bụi mù mịt. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, huyện và các xã, thị trấn đã tăng cường tuyên truyền, vận động, nhưng do thói quen nên người dân vẫn đốt bỏ rơm, hoặc đốt rơm lấy tro, gây ô nhiễm môi trường và khiến người đi đường khó chịu vì khói bụi bay vào mắt. Hiện, chưa có chế tài xử lý nên hầu như các xã chưa xử phạt được trường hợp nào.
Tương tự, tại địa bàn huyện Sóc Sơn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, các xã gần sân bay quốc tế Nội Bài, như: Thanh Xuân, Quang Tiến, Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình... vẫn có tình trạng đốt rơm tại ruộng hoặc ven đường nội đồng, gây khói bụi, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông, ảnh hưởng đến an toàn bay và những hoạt động tại sân bay quốc tế Nội Bài…
Còn tại địa bàn một số xã thuộc huyện Quốc Oai như: Ngọc Mỹ, Yên Sơn, Đông Quang, Thạch Thán… cũng vẫn có hiện tượng người dân đốt rơm sau thu hoạch lúa.
Để ngăn chặn tình trạng đốt rơm, UBND huyện Thường Tín đã yêu cầu các xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, hướng dẫn nông dân sử dụng rơm rạ che phủ gốc cây cảnh, ủ hoai làm phân bón, đưa nước vào đổ ải kết hợp sử dụng máy phay đất xử lý gốc rơm, rạ tại ruộng…
Còn tại huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, ngày 3-6-2020, UBND huyện đã có văn bản số 1246/UBND-TNMT yêu cầu các xã tập trung cao độ kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp đốt rơm; đồng thời, quán triệt Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện nếu để xảy ra tình trạng đốt rơm mà không có biện pháp xử lý. Nhờ đó, việc đốt rơm mấy ngày qua cơ bản đã giảm…
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) Đoàn Văn Thắng, hội đang tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trên địa bàn sử dụng chế phẩm sinh học để ủ rơm hoai mục thành phân bón ruộng, góp phần giảm thiểu tình trạng đốt rơm…
Trong khi đó, tại địa bàn huyện Quốc Oai, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng huyện, xã, thị trấn cùng với tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi đốt rơm rạ, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng rơm làm phân bón; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đóng trên địa bàn thu mua rơm làm nguyên liệu sản xuất… Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết: UBND huyện đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn phối hợp với Hội đồng quản trị hợp tác xã nông nghiệp, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố vận động các thành viên, hộ gia đình ký cam kết không đốt rơm, rạ sau thu hoạch lúa.
Việc đốt rơm tại ruộng hay ven đường rõ ràng đã và đang gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường khu vực nói chung và môi trường dân sinh khu dân cư liền kề đồng ruộng nói riêng... Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần sớm có chế tài mạnh để xử lý nghiêm những trường hợp đốt rơm rạ, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và an toàn giao thông. Mặt khác, các địa phương cần tăng thời lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về tác hại của việc đốt rơm, rạ gây ô nhiễm môi trường không khí (phát thải lượng lớn khí CO2,CO và NOx), gây hiện tượng khói mù làm cay mắt, hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông... Nếu thực hiện tốt các biện pháp cụ thể, thiết thực, chắc chắn nông dân sẽ hiểu và tự nguyện không tùy tiện đốt rơm rạ trên cánh đồng như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.