(HNM) - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể đã xảy ra. Nguyên nhân thì
Mới đây (ngày 29-10), chỉ sau một bữa ăn trưa, hơn 40 công nhân thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thương mại Thịnh Phát Ocean (Bắc Giang) đã phải đi cấp cứu với các dấu hiệu tức ngực, tiêu chảy, đau bụng, nôn… Nguyên nhân là bữa ăn trưa do công ty cung cấp không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Tại phía Nam, ngày 28-10, Công ty TNHH Quanon (KCN Long Hậu, Cần Giuộc, Long An) đã phải đưa hơn 50 công nhân lên bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh cấp cứu, cũng chỉ vì ăn bữa cháo lòng lót dạ trước khi tăng ca không bảo đảm VSATTP. Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ với hơn 500 người bị ngộ độc thực phẩm…
Thanh, kiểm tra VSATTP một bếp ăn tập thể. |
Theo Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, phần lớn các vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng là ở các KCN - KCX. Ở TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 2.830 cơ sở bếp ăn tập thể và gần 150 cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, trong đó có hơn 213 cơ sở bếp ăn tập thể trong KCX - KCN. Các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho các công ty thường phải vận chuyển thức ăn trên một quãng đường dài, từ khi chế biến đến khi ăn quá lâu khiến thức ăn không bảo đảm chất lượng. Không những vậy, một số cơ sở chế biến suất ăn còn phục vụ quá công suất cho phép, người chế biến, phục vụ không có kiến thức về việc chế biến, vận chuyển, bảo đảm VSATTP.
Mặt khác, định mức suất ăn công nhân do các "ông chủ" công ty đưa ra cho các cơ sở chế biến hiện chỉ khoảng 7.000 - 12.000 đồng/suất/ người, buộc các cơ sở nấu ăn phải nhập nguyên liệu rẻ tiền, sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không bảo đảm an toàn.
Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh, vừa kiểm tra 123 cơ sở cung cấp thức ăn sẵn, bếp ăn tập thể, căng tin trên địa bàn và 100% cơ sở đã ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo đảm VSATTP. Cam kết trên giấy tờ là vậy nhưng trên thực tế tới 10,6% cơ sở vi phạm về điều kiện VSATTP.
Một báo cáo mới đây của Hội LHPN TP Hồ Chí Minh cho biết, Hội đã vận động 17 tiểu thương chợ Kim Biên (chợ phụ gia hóa chất thực phẩm lớn nhất thành phố) ký cam kết "Nói không với kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm không an toàn". Thế nhưng thực tế mà chúng tôi chứng kiến thì tình trạng buôn bán phụ gia thực phẩm không nguồn gốc giá rẻ "bèo" vẫn tràn lan. Thực trạng trên cho thấy, cần phải có những giải pháp cụ thể để không chỉ ngăn chặn thực phẩm bẩn mà cả căn bệnh "báo cáo hay".
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong mỗi KCN - KCX cần khuyến khích xây dựng một cơ sở cung cấp suất ăn tập trung. Các đơn vị chưa có bếp ăn tại chỗ phải mua suất ăn tại các cơ sở cung cấp suất ăn tập trung. Doanh nghiệp có trên 1.000 công nhân phải có bếp ăn tại chỗ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.