Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngộ độc rượu: SOS

Nga Linh| 10/05/2017 07:12

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, những vụ ngộ độc rượu do có cồn công nghiệp chứa methanol liên tục xảy ra và gia tăng đáng kể. Nhiều ca ngộ độc khi nhập viện đã rơi vào tình trạng hôn mê, tổn thương thận, thậm chí tổn thương não..., không ít ca nặng dẫn đến tử vong...

Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai.


Nguy cơ từ rượu tự nấu

Vụ ngộ độc nghiêm trọng ở huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu ngày 13-2-2017 làm 9 người tử vong, hơn 30 người phải nhập viện cấp cứu còn chưa nguôi, thì ngày 28-2 lại có thêm vụ ngộ độc rượu methanol ở Hà Nội khiến 7 người nguy kịch. Mới đây, ngày 11-3, có 12 sinh viên phải nhập viện do ngộ độc methanol trong rượu, sau khi mua rượu không nhãn mác về liên hoan tại nhà trọ. Trên địa bàn Hà Nội, từ ngày 26-2 đến sáng 11-3-2017, có 24 trường hợp nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu công nghiệp methanol, trong đó có 2 trường hợp tử vong, số người còn lại cấp cứu trong tình trạng ngộ độc nặng.

Lâu nay, tâm lý chung của người uống rượu là sử dụng rượu tự nấu, rượu quê, đặc biệt là rượu từ các làng nghề truyền thống sẽ an toàn hơn. Khi đến các quán nhậu, khách hàng dễ dàng hỏi mua và uống loại rượu không nhãn mác được chủ quán quảng cáo là rượu quê. Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm cảm tính. Rượu được nấu bằng phương pháp thủ công dù ít hay nhiều đều chứa một phần chất độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Nấu rượu bằng phương pháp thủ công gồm các bước: lựa chọn nguyên liệu, quá trình làm mốc lên men, đường hóa, quá trình lên men biến đường thành rượu và chưng cất. Chất lượng quá trình lên men ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng rượu. Quá trình lên men càng kém thì chất lượng rượu càng bị ảnh hưởng và có thể sinh ra rượu độc. Nếu chọn chủng nấm mốc để lên men là màu vàng thì rượu sẽ tốt, nhưng nếu chủng nấm mốc màu đen và quá trình lên men xuất hiện nhiều chất đen, rượu sẽ càng độc.

Theo quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), muốn bảo đảm đúng tiêu chuẩn về hàm lượng methanol, rượu sau khi nấu phải được chưng cất qua hệ thống lọc và để ít nhất 20 ngày nhằm khử các độc tố có hại. Nhưng, muốn đầu tư được hệ thống này, phải chi phí vài chục đến cả trăm triệu đồng (tùy quy mô), do đó nếu sản xuất với quy mô nhỏ, ít hộ dân đầu tư. Trong khi lực lượng chức năng mỏng, việc quản lý rượu tự nấu vẫn là việc không dễ, công tác kiểm tra mới chỉ dừng lại ở các cơ sở kinh doanh rượu đã được cấp phép. Vì vậy, không có gì bảo đảm về chất lượng các loại rượu tự nấu trong nhân dân khi các quy định về quản lý, kiểm soát chất lượng rượu vẫn đang thả nổi.

Methanol và cách nhận biết

Rượu pha chế từ methanol có độc tính cao, nên khi vào cơ thể người bị chuyển hóa thành các chất độc gây suy thận cấp, nhiễm độc gan, gây hại cho não bộ. Độc tính của methanol tác động trực tiếp lên thần kinh trung ương, nên người ngộ độc thường có biểu hiện loạng choạng, hoa mắt, nếu để lâu nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng hôn mê, rối loạn điện giải, tụt huyết áp... và có thể tử vong. Những trường hợp được cứu sống vẫn sẽ để lại nhiều di chứng sau này.

Ngộ độc rượu etylic (rượu etanol-C2H5OH) nồng độ cao trong máu có tác hại làm giảm hoạt động của não, gây mất ý thức. Ngộ độc etanol có thể cấp tính hoặc mạn tính, phụ thuộc vào số lượng rượu người đó thường xuyên uống. Uống rượu kéo dài dẫn đến sút cân, chán ăn, da tái do thiếu máu, thoái hóa gan, có thể ung thư gan, mất trí nhớ, run, rối loạn tâm thần... Ngộ độc rượu methylic (rượu methanol-CH3OH) - methylic được dùng thông dụng trong công nghiệp hóa chất cũng như trong đời sống. Ngộ độc do rượu methylic có thể bị do uống nhầm hoặc hoạt động gian lận trong kinh doanh pha chế rượu từ cồn công nghiệp. Cồn methylic rất độc vì chúng thải trừ chậm, chuyển hóa oxy hóa thành formol (formaldehyd) và axit formic là những chất gây độc đến chức năng hô hấp của tế bào. Methylic là một chất độc cực mạnh, chỉ cần uống 5-15ml có thể gây ngộ độc nặng, 15ml trở lên là gây mù lòa, 30ml có thể tử vong.

Về quản lý đối với việc sản xuất, kinh doanh rượu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2008/CP (ngày 7-4-2008) quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu phải có giấy phép sản xuất rượu, giấy phép kinh doanh rượu; rượu xuất xưởng phải đạt các tiêu chuẩn về chỉ tiêu cảm quan, chỉ tiêu hóa học, yêu cầu trong quá trình bao gói, ghi nhãn, bảo quản và vận chuyển đối với rượu: tiêu chuẩn TCVN 7043:2002 đối với rượu trắng; tiêu chuẩn TCVN 7044: 2002 đối với rượu mùi và tiêu chuẩn TCVN 7045:2002 đối với rượu vang. Để bảo vệ sức khỏe cho mình, cho gia đình và xã hội, mỗi người hãy là người tiêu dùng thông thái trong việc lựa chọn, sử dụng rượu. Không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, rượu tự pha chế không có chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, rượu sản xuất ở các cơ sở không có giấy phép sản xuất, kinh doanh; không tự mua hay sưu tầm cây, con, theo kinh nghiệm về ngâm để uống; không dùng rượu quá liều lượng, quá mức độ... Nếu có dấu hiệu bất thường liên quan đến uống rượu cần đến cơ sở y tế kiểm tra phát hiện nguyên nhân và xử lý kịp thời.

Để bảo đảm an toàn tính mạng người tiêu dùng và tăng cường công tác quản lý các hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên cả nước, tránh để xảy ra những vụ việc ngộ độc rượu đáng tiếc, ngày 10-3-2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 371/CĐ-TTg về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý VSATTP đối với sản phẩm rượu, theo đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra VSATTP nói chung và sản phẩm rượu nói riêng; có giải pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về VSATTP đối với sản phẩm rượu.

Theo Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát Việt Nam, rượu tự nấu thủ công chiếm tới 70% thị phần trong nước. Đã đến lúc các cấp có thẩm quyền phải tìm ra cơ chế phối hợp, cũng như xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý người dân tự nấu rượu và rượu tự nấu đang lưu thông trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngộ độc rượu: SOS

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.