Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiệp văn biết mấy

Khánh Thư| 15/08/2020 05:50

(HNMCT) - Sau 25 tác phẩm trình làng bạn đọc ở nhiều thể loại như: Thơ, hồi ức văn học, tiểu luận, bình luận văn chương, tản văn, thơ chọn và lời bình, tháng 6-2020 nhà thơ Nguyễn Thanh Kim tiếp tục ra mắt hồi ức văn học và tiểu luận mang tên Nghiệp văn biết mấy...

Cuốn sách dày 254 trang với nhiều chuyện đời, chuyện nghề của 34 gương mặt văn đàn Việt Nam, từ các bậc tiền bối như Xuân Diệu, Nguyên Hồng, Tế Hanh, Trinh Đường, Anh Thơ... đến những nhà văn, nhà thơ xuất hiện sau này.

Mỗi gương mặt được nhà thơ Nguyễn Thanh Kim khắc họa với những dáng vẻ riêng. Đó là nhà văn Nguyên Hồng với những “khoảnh khắc” dung dị đời thường thật khó quên; là Tế Hanh với trái tim luôn rộng mở, tha thiết yêu đời, yêu người; là nữ sĩ Anh Thơ với những ký ức còn tươi nguyên; là nhà văn Kim Lân mê quan họ đến độ “dây vào cũng thỏa một đời”; là Hoàng Cầm nặng tình với miền quan họ Kinh Bắc...

Những gương mặt thân quen trên văn đàn thuộc thế hệ đi trước mà Nguyễn Thanh Kim luôn ngưỡng mộ ấy, dưới ngòi bút của ông, qua những câu chuyện kể của ông hiện lên vô cùng sinh động mà cũng thật gần gũi. Buổi lên lớp cuối cùng của nhà thơ Xuân Diệu; lần đi chợ Bắc Ninh với nhà văn Nguyên Hồng rồi cái đêm nằm cạnh nhà thơ Hoàng Cầm thao thức không sao ngủ được... và biết bao kỷ niệm khác được Nguyễn Thanh Kim gợi nhắc khiến cho chân dung của họ thêm đời, thêm ấm áp.

Với những người cùng thế hệ nhà văn, nhà thơ thời chống Mỹ, với những bạn bè đồng môn lớp viết văn khóa II (1983 - 1985) Trường Viết văn Nguyễn Du hay những bạn văn đồng hương Kinh Bắc..., bên cạnh những sẻ chia kỷ niệm, Nguyễn Thanh Kim còn đem đến cho bạn đọc những phát hiện, cảm nhận mới mẻ về tác phẩm của họ. Những trang viết về Thu Bồn, Lữ Huy Nguyên, Đỗ Chu, Phùng Khắc Bắc, Phạm Đức, Hòa Vang, Y Phương, Trần Quốc Thực, Phạm Hồ Thu... là một minh chứng.

Có một điều khá thú vị là khi viết về mỗi tác giả, Nguyễn Thanh Kim thường mượn chính tên bài thơ, tập thơ hay một câu thơ nổi tiếng của họ làm đề từ cho bài viết. Với Bằng Việt là “Ném câu thơ vào gió”, với Trúc Thông là “Những chìa thường, chìa mở vô biên”, với Hữu Thỉnh là “Mưa ẩm cả hồn anh”, với Hoàng Hữu là “Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau”... Và đọng lại sau mỗi bài viết không chỉ là giá trị của mỗi tác phẩm, tài năng văn chương của tác giả mà còn là ân tình sâu đậm của những người thơ, người văn. Đó cũng chính là duyên cớ để Nguyễn Thanh Kim viết Nghiệp văn biết mấy... Nói như nhà thơ Võ Gia Trị thì Nghiệp văn biết mấy... giúp bạn đọc có được cuộc du ngoạn vào cõi đời văn chương đầy thú vị. Qua cuốn sách ta còn cảm nhận được chất say của kẻ si mê văn chương, cái háo hức được gặp gỡ các văn tài đáng kính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiệp văn biết mấy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.