(HNMO) - Chiều 5-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ mười, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, kế hoạch năm 2021; mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Đề ra các kịch bản tăng trưởng theo tình hình dịch bệnh
Về dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế năm 2021 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đại biểu Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) cho biết, việc dự báo hai kịch bản tăng trưởng của Chính phủ chưa sát với thực tế. Dẫn dự báo của các tổ chức quốc tế về tình hình kinh tế thế giới sẽ u ám hơn trong thời gian tới, đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế có thể chậm hơn nhưng cần bảo đảm sự hài hòa, bền vững. Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Thống cũng đề nghị nghiên cứu có chỉ tiêu riêng cho các tỉnh miền núi về tỷ lệ che phủ rừng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đưa ra các kịch bản về dịch Covid-19, trong trường hợp có vắc xin điều trị hiệu quả, dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế phục hồi thì tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt hơn 6% là khả thi. Kịch bản xấu hơn, khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, tăng trưởng kinh tế chỉ có thể đạt cao nhất 4-5%.
Ủy viên Bộ Chính trị phụ trách Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, mặc dù dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp trên thế giới, gây ra những khủng hoảng về y tế và kinh tế ở nhiều quốc gia, tuy nhiên với sự chủ động, cách tiếp cận đúng đắn trong phòng, chống dịch, phát triển kinh tế, đây cũng là thời cơ chuyển giai đoạn phát triển có tính chiến lược của đất nước ta.
Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, dự báo kinh tế nước ta còn khó khăn đầu nhiệm kỳ nhưng được đánh giá là khá sáng sủa, thậm chí được coi là “ngôi sao đang lên” trong các nền kinh tế trên thế giới. Sự thận trọng trong xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 của Chính phủ sẽ làm kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng, khó khăn cho cơ cấu lại nền ngân sách.
Thảo luận về vấn đề tăng năng suất lao động xã hội, đại biểu Trần Văn Minh (Đoàn Quảng Ninh) nhận định, năng suất lao động của nước ta vẫn thấp hơn so với các quốc gia lân cận. “Nếu cứ giữ tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay thì khoảng 20 năm nữa mới theo kịp các quốc gia khác”, đại biểu lo ngại. Đại biểu Trần Văn Minh đặt ra vấn đề yêu cầu phát triển đòi hỏi phải có sự bứt phá vượt bậc về năng suất lao động xã hội, do đó Chính phủ cần đặt ra mục tiêu về vấn đề này cho giai đoạn 2021-2025.
Thảo luận sâu vào vấn đề cử tri quan tâm
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội về phát triển rừng tự nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 30 năm qua, tỷ lệ phát triển rừng tăng từ 9 triệu héc ta lên 14,6 triệu héc ta, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu héc ta. Tuy nhiên, chất lượng rừng tự nhiên chưa được tốt, trong 10,3 triệu héc ta rừng tự nhiên thì chỉ có 15% là rừng giàu về trữ lượng, 50% rừng trung bình và 35% là rừng nghèo kiệt. “Đây là thực tế chúng ta phải có trách nhiệm về việc phát triển rừng”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, Quốc hội yêu cầu thời gian tới đối với rừng tự nhiên phải có chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng, chăm sóc rừng để bảo đảm rừng ngày càng giàu về sinh học và trữ lượng rừng tăng lên. Đối với rừng trồng cũng phải thay đổi bằng cây trồng lâu năm, cơ cấu cây trồng hài hòa, đặc biệt chú ý các cây trồng bản địa.
Báo cáo tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tất cả các ngành, lĩnh vực, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, thiên tai đã gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân. Để thực hiện được “mục tiêu kép”, Chính phủ đã trình Quốc hội và ban hành hàng loạt chính sách tài khóa.
“Các chính sách này đã góp phần giảm, giãn khoảng 100.000 tỷ đồng nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về dòng tiền, tăng tỷ lệ vốn cho doanh nghiệp”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá.
Tuy nhiên, cũng từ chính sách đó, thu ngân sách 10 tháng năm 2020 chỉ đạt 75,2% dự toán, giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây. Bên cạnh các giải pháp miễn, giảm, hoãn thuế cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu thuế và chuyển giá.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức cũng có không ít những cơ hội, tiềm năng để đất nước ta phát triển, tạo bứt phá như các cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ dòng dịch chuyển đầu tư quốc tế… “Bên cạnh đó, việc tăng trưởng năm 2020 dự kiến đạt 2-3% là căn cứ để đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao hơn cho năm 2021”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là 6% nhằm tạo nên động lực, vừa tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình điều hành cần xây dựng kịch bản ứng phó kịp thời với tình hình, diễn biến của dịch bệnh. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng bão lụt.
Kết luận 3 ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đã có 112 đại biểu Quốc hội phát biểu thảo luận, 18 đại biểu phát biểu tranh luận, đồng thời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và 7 bộ trưởng đã tham gia phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Nội dung thảo luận đã bao quát toàn diện, đi sâu vào những vấn đề cử tri quan tâm, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu, đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua.
* Ngày mai (6-11), Quốc hội sẽ bắt đầu 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.