Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu việc tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội

Bách Sen| 19/06/2022 07:09

(HNM) - Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến xây dựng và hoàn thiện nghiên cứu về tính khả thi của cơ chế tịch thu tài sản không qua kết tội, giúp Bộ có thể tham mưu với Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền về lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam nhằm tăng cường hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội là quy trình đặc biệt của cơ quan nhà nước, không xét xử bị cáo hay hành vi phạm tội mà tập trung vào xử lý tài sản được cho là có nguồn gốc hoặc có liên quan đến tội phạm, với mục đích thu hồi về cho ngân sách nhà nước hoặc trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp của tài sản. Đây là cách tiếp cận mới trong thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng, nảy sinh từ yêu cầu thực tiễn khi những biện pháp thu hồi tài sản theo cách thức truyền thống không giải quyết được các bất cập do gặp khó khăn trong xác minh, thu thập chứng cứ và chứng minh mối liên hệ giữa tài sản và hành vi phạm tội.

Ưu điểm chính của các biện pháp tịch thu tài sản không qua kết tội là yêu cầu tiêu chuẩn về chứng cứ tại các phiên tòa dân sự thấp hơn so với các phiên tòa hình sự, qua đó tạo thuận lợi cho việc thu hồi tài sản.

Nói cách khác, biện pháp thu hồi không thông qua thủ tục kết tội giúp khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất là việc phải chứng minh tội phạm và nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản được cho là do phạm tội mà có. Ngoài ra, ưu điểm của biện pháp này còn thể hiện ở chỗ, việc khởi kiện dân sự có thể được mở rộng tới các bên thứ ba, có thể là bất kỳ ai đã hỗ trợ cho bị đơn chính như: các thành viên gia đình, cộng sự thân thiết, các bên trung gian, các định chế tài chính, luật sư, kế toán…; và trong khởi kiện dân sự, các quan chức hoặc cựu quan chức cùng tài sản của họ không được hưởng quyền miễn trừ.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng, thực hiện cơ chế này cũng đặt ra hàng loạt vấn đề cần giải quyết như phạm vi và mục tiêu của cơ chế này nhằm vào nhóm tội phạm nào, các trường hợp nào cần thiết sử dụng cơ chế, phương thức tịch thu ra sao… Bên cạnh đó, cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội sẽ không hiệu quả nếu không tính đến các cơ chế hỗ trợ như: Tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu việc tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.