Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu nhân khẩu học phục vụ phát triển KT-XH

Hồng Sơn| 18/12/2014 12:49

(HNMO) - Ngày 18-12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Qũy Dân số Liên hợp quốc tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về ứng phó với biến đổi nhân khẩu học phục vụ phát triển KT-XH đối với Việt Nam.

Được biết, từ khi bước vào thời kỳ mở cửa, hội nhập, tình hình di cư diễn ra mạnh mẽ, góp phần tạo ra sự đô thị hóa và cũng là yếu tố đóng góp tăng trưởng kinh tế. Số lượng dân cư di cư giữa các tỉnh tăng từ 1,3 triệu người năm 1989 lên 2 triệu người vào năm 1999 và 3,4 triệu người năm 2009. Nữ giới chiếm hơn một nửa của số dân di cư; đa số người di cư thuộc nhóm tuổi từ 15 đến 29 tuổi…Vấn đề di cư tạo ra nhu cầu cao và đột xuất về dịch vụ xã hội, đặc biệt là lao động, nhà ở, y tế. Từ đó, chuyên gia kiến nghị cần có biên pháp hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi phụ nữ, trẻ em.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, nhân khẩu là vấn đề có tầm quan trọng, liên quan chặt chẽ đến nguồn nhân lực và dân số nói chung của quốc gia. Cần có sự nghiên cứu, phân tích thấu đáo để phục vụ công tác hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển KT-XH. Vấn đề là làm sao tận dụng được thế mạnh của thời kỳ dân số Vàng, từ đó có quan điểm đúng đắn, tận dụng thời cơ; nhất là có hành động tích cực về giáo dục và y tế để nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển bền vững về nguồn nhân lực trong thế kỷ 21.

TS Lee Namchul, Tổng giám đốc Ban thư ký Diễn đàn nguồn nhân lực toàn cầu (Viện Nghiên cứu giáo dục và đào tạo nghề Hàn Quốc) đã trao đổi một số thông tin, tình hình thực tế ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan về kinh nghiệm ứng phó với sự thay đổi về nhân khẩu học. Trong đó, nhiều ý kiến gợi ý cần có sự điều tra, phân tích số liệu từ mỗi khu vực địa lý, địa phương một cách chính xác để kịp thời ngăn chặn một số diễn biến bất lợi, như: di dân tự do với tốc độ cao, mất cân bằng giới tính và cơ cấu dân số cục bộ, thiếu điều kiện chăm sóc về giáo dục, y tế và môi trường; nhất là phòng chống tình trạng trẻ em theo gia đinh di cư bị thất học…Bên cạnh đó, cần có biện pháp hỗ trợ người già, từng bước chống tình trạng già hóa dân số trong tương lai gần.

Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu không phát huy được thế mạnh của một nước có dân số trẻ thì Việt Nam vẫn có thể rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng và gây ra tình trạng kém phát triển ở một số khu vực, lĩnh vực. Việc nghiên cứu và đưa ra chính sách phù hợp sẽ là đầu vào quan trọng để Chính phủ, cơ quan chức năng họach định kế hoạch, gắn liền với mục tiêu phát triển đến năm 2020. Đặc biệt là tạo việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; rút ngắn khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa các khu vực địa lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu nhân khẩu học phục vụ phát triển KT-XH

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.