(HNM) - Tháng 6 là Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề tạo môi trường An toàn, Thân thiết và Lành mạnh cho thế hệ mầm non của đất nước.
Hôm nay sẽ chẳng mấy ai ngạc nhiên nếu một đứa trẻ chưa đến tuổi tới trường biết sử dụng thành thạo nhiều thiết bị hiện đại: Iphone, Ipad, điện thoại di động... Mặc dù những đứa trẻ như vậy chưa nhiều, nhưng rõ ràng đó là một trong những thành quả xã hội của Đổi mới.
Đó là tin vui. Và đây là tin buồn. Ở thành phố, ngay cả những đứa trẻ may mắn nhất cũng khó có được một môi trường tự nhiên mà bất kỳ một trẻ em Việt Nam nào cũng sẵn có mới chỉ hơn ba chục năm trước - bắt ve, chơi bi, đánh đáo, thả diều; giờ đây thậm chí trẻ em gái muốn chơi ô ăn quan cũng khó, vì vỉa hè đâu còn dành cho chúng? Trẻ con giờ thấy lạ khi ông bà, cha mẹ cứ háo hức mỗi khi thấy hoa phượng đỏ bừng lên giục tiếng ve mở đầu bản giao hưởng vĩ đại mùa hè. Với trẻ em thành phố những ngày hè thật bức bối - học không ra học, chơi không ra chơi, cứ như tù giam lỏng. Chúng bị mất cả một thế giới cổ tích - bình minh và hoàng hôn tím đỏ chân trời; những đêm trăng huyền thoại.
Chúng ta có khẩu hiệu Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai; và một khẩu hiệu hành động: Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!
Đó không chỉ là khẩu hiệu. Đó là sứ mệnh lịch sử của dân tộc. Đã bao đời dân ta bị đe dọa, áp bức, đói nghèo, tăm tối. Hơn bao giờ hết, hôm nay chúng ta khao khát những thế hệ ngày mai của đất nước sẽ phải ngang tầm thời đại, sánh vai cùng năm châu.
Biết phải vậy mà thực hiện chưa được như vậy.
Mà ai trực tiếp thực hiện chủ trương, chính sách Vì tương lai con em chúng ta? Chính là chúng ta - ông bà, bố mẹ, anh chị chúng.
Trong gia đình, từ ông bà nội ngoại, bố mẹ tới anh chị, đều sẵn sàng làm tất cả cho cháu con có một tuổi thơ tuyệt vời nhất, được sống và học với những điều kiện tốt nhất. Nhưng trong xã hội tình hình ra sao?
Những năm 80 thế kỷ trước mỗi quận Hà Nội có một nhà văn hóa thiếu nhi. Giờ đây chỉ còn của quận Ba Đình là tương đối như tên gọi, nhưng nó đã trở nên quá nhỏ so với nhu cầu. Còn Cung thiếu nhi thành phố bây giờ nhắc đến thêm buồn. Các công viên hiện tại liệu mấy phụ huynh dám để con em tự do vui chơi ở đó? Khu đô thị mới nào có chỗ vui chơi cho trẻ con? Mấy trò chơi công cộng như nhà bóng, nhà trượt hơi, đu quay... không chỉ thô sơ, không vệ sinh, mà giá vé không thể tuởng tượng nổi. Đồ chơi có những gì? Câu hỏi đó chắc chắn không phải các nhà giáo dục chúng ta trả lời được, mà phải mấy hãng đồ chơi Trung Quốc...
Vì sao?
Thiết nghĩ ai cũng biết vì sao. Đó là nghịch lý mà người lớn chúng ta hôm nay tạo ra. Hành trang hôm nay chúng ta chuẩn bị cho trẻ em thật đáng lo ngại...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.