Hà Nội kết nối

Nghịch lý thừa nhà tái định cư, thiếu nhà ở xã hội

Nhóm phóng viên 15/11/2023 - 14:22

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 10.000 căn hộ tái định cư bỏ hoang. Trong khi đó, nhiều người lao động phải đi thuê nhà thiếu tiện nghi. Thành phố đang tìm cách giải quyết nghịch lý này.

a229.jpg
Gần 3.800 căn hộ tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức) không có người ở từ nhiều năm nay.

Bất cập việc thừa, thiếu nhà ở

Điển hình là khu căn hộ tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức) với hơn 3.790 căn hộ trên diện tích đất 38ha, vốn được xây dựng để bố trí nhà chung cư tái định cư cho các hộ dân tại bán đảo Thủ Thiêm. Nhưng 9 năm qua, khu này không có người ở.

Tương tự, khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), được xây dựng trên tổng diện tích 30,9ha, gồm 529 nền đất và 45 block chung cư, với tổng cộng 1.939 căn hộ, tổng vốn đầu tư hơn 1.036 tỷ đồng, vốn được kỳ vọng là quỹ nhà tái định cư cho các dự án hạ tầng khu vực phía Tây thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, 12 năm qua, rất ít người đến đây ở.

a230a.jpg
Gần 2.000 căn hộ tái định cư tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B cũng đang bỏ trống.

Bà Trương Thu Sương, một hộ dân trước đây ngụ tại Thủ Thiêm (quận 2 cũ, nay là thành phố Thủ Đức) cho biết: “Một là lúc đó phải chờ xây nhà tái định cư, hai là gia đình còn lo buôn bán nhỏ kiếm sống, sợ lên chung cư không làm ăn được, nên gia đình tôi đã chọn phương án nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Nhiều nhà khác cũng lựa chọn như vậy”.

Còn gia đình ông Vũ Kiều Minh, ngụ tại quận Bình Tân, nằm trong diện giải tỏa của dự án cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên từ năm 2016, được bố trí một căn hộ tái định cư tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, cách trung tâm thành phố khoảng 20km. Tuy nhiên, gia đình đã không chọn về ở khu tái định cư này.

Theo ông Minh, chất lượng chung cư thấp, nhiều nhà đã ở cho biết, tường bị bong tróc, ngấm nước; tiện ích sinh hoạt khu vực quanh chung cư thiếu nhiều, chưa phù hợp để ổn định cuộc sống.

a231a.jpg
Nhiều công nhân thành phố Hồ Chí Minh đang phải đi ở trọ nơi thiếu tiện nghi, vì thiếu quỹ nhà lưu trú, nhà ở xã hội. Ảnh: Hồng Đào.

Trong khi đó, rất nhiều công nhân, người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất; những người thu nhập thấp tại thành phố Hồ Chí Minh lại không có nơi ở ổn định,

Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây vừa được Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh công bố, thành phố hiện có 429.675 hộ gia đình có thu nhập thấp. Trong đó, có 189.785 hộ đang phải ở nhờ và đi thuê nhà, với hơn 39% số hộ phải ở những nơi dưới 8m²sàn/người.

Trong số 239.890 hộ đã có nhà, có 34.228 hộ có nhà ở dưới 8m² sàn/người. Dự báo giai đoạn 2021-2025 có 20.540 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở, giai đoạn 2026-2030 có 25.050 hộ có nhu cầu hỗ trợ nhà ở.

Tìm cách giải bài toán cung cầu

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thay đổi trong chính sách đền bù giải tỏa.

Cụ thể, giai đoạn 1998-2007, quy định của Nhà nước là đền bù bằng căn hộ hoặc diện tích đất, nên thành phố xây một loạt dự án nhà tái định cư. Nhưng sau đó, quy định đền bù giải tỏa theo sát giá thị trường, nên phần lớn người dân nhận tiền (vì được nhiều hơn), dẫn đến dư thừa nhà tái định cư.

a232.png
Việc chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội hiện đang vướng nhiều thủ tục pháp lý.

Nay, muốn chuyển đổi quỹ nhà này sang nhà ở xã hội là điều không dễ. Thứ nhất, điểm c khoản 1, Điều 84 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở chỉ quy định chuyển đổi nhà ở thương mại, nhà tái định cư thành nhà ở xã hội trong giai đoạn triển khai dự án. Đến khi các công trình này đã xây xong, lại không có quy định nào cho phép chuyển đổi.

Thứ hai là chủ đầu tư các dự án nhà tái định cư đã nộp tiền thuế đất, nhưng nếu là nhà ở xã hội, sẽ không phải nộp số tiền này (miễn thuế). Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành lại không quy định cụ thể về việc hoàn trả tiền như thế nào.

Đó là chưa kể đến việc quy hoạch nơi bố trí nhà ở xã hội khác hẳn với quy hoạch nhà tái định cư. Nay, nếu chuyển đổi các dự án, dễ dẫn đến sự bất bình đẳng đối với các chủ đầu tư ngay từ đầu đăng ký thực hiện dự án nhà ở xã hội.

a235.jpg
UBND thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bán đấu giá hơn 3.700 căn hộ tái định cư Bình Khánh.

Chính phủ cũng đã cho phép thành phố Hồ Chí Minh bán đấu giá quỹ nhà tái định cư Bình Khánh (thành phố Thủ Đức) để nhà đầu tư chuyển thành nhà ở thương mại, nhưng do thành phố muốn bán cùng lúc hơn 3.600 căn hộ nên giá khởi điểm quá cao, dẫn tới 4 lần đấu giá chưa thành công, vì không có người mua.

Trong lúc chờ bộ, ngành trung ương hướng dẫn thực hiện chuyển đổi nhà tái định cư sang nhà ở xã hội, UBND thành phố Hồ Chí Minh dự kiến sẽ đấu giá lần 5 hơn 3.600 căn hộ tái định cư Bình Khánh. Sửa chữa, nâng cấp 1 phần khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) để làm nhà tái định cư cho một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Vành đai 3.

Về lâu dài, theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cần bố trí quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho người dân vùng dự án, gắn với sinh kế. Không xây dựng nhà tái định cư ở nơi quá xa, khiến người dân không mặn mà nhận nhà, dẫn đến lãng phí quỹ nhà này như thời gian qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý thừa nhà tái định cư, thiếu nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.