(HNMO) - Nghịch lý đang diễn ra nhiều năm nay tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì), đó là một số hộ dân di cư theo chính sách của Nhà nước, đã được chính quyền địa phương giao đất ở từ hơn 20 năm trước vẫn không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Không những thế, nhiều ngôi nhà đã bị xuống cấp nhưng không được xây mới, sửa chữa. Có hộ cố bám trụ tại những ngôi nhà cũ kỹ, nhiều hộ phải đi ở nhờ nhà người thân, hoặc đi nơi khác thuê nhà… Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn cho các hộ dân di cư đang là vấn đề xã Yên Bài, huyện Ba Vì chưa tìm được lời giải.
Nhà cửa bỏ hoang, dân tá túc khắp nơi
Con đường đất dẫn vào xóm Mái, thôn Mít (xã Yên Bài) vốn nhỏ hẹp lại ngập nước mưa, lầy lội, khó đi. Phải băng qua rãnh nước thải ven khu dân cư, chúng tôi mới đến được nơi ở của 6 hộ thuộc diện di dân do sạt lở đất vùng bãi Tân Đức, được phân về xã Yên Bài từ năm 2002 đến nay. Cả khu đất rộng hàng chục nghìn mét vuông nhưng chỉ còn 1 hộ ở lại, tận dụng nhà cửa đã xuống cấp làm chuồng chăn nuôi.
Bà Nguyễn Thị Chanh, ở thôn Mít, chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới: "Năm 2002, do thiên tai, toàn bộ diện tích nhà, vườn của gia đình tôi cùng nhiều hộ khác tại xã Tân Đức (nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) bị sạt lở. Chúng tôi được Nhà nước tạo điều kiện cho di dân về xã Yên Bài sinh sống. Gia đình tôi được huyện Ba Vì, xã Yên Bài giao cho 1.000m2 đất ở và mỗi nhân khẩu nhận 1,2 sào đất ruộng. Cứ nghĩ sẽ được an cư, sớm ổn định cuộc sống, nhưng đến nay, 1.000m2 đất ở của gia đình vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cũng bởi vậy gia đình không thể thế chấp, vay vốn phát triển kinh tế. Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cũng thuộc diện di dân như chúng tôi đều đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cuộc sống rất thuận lợi".
Không những vậy, từ năm 2019 đến nay, thực hiện quy định của Nhà nước, huyện Ba Vì yêu cầu các hộ dân sinh sống trên diện tích có nguồn gốc đất nông, lâm trường không được xây mới, sửa chữa nhà ở, phải giữ nguyên hiện trạng để chờ bàn giao, kiểm đếm… Trong khi đó, do nhà cửa đều bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, cả 6/6 hộ đều phải ở nhờ nhà người thân, hoặc đi thuê nhà…
“Chính quyền địa phương nhiều lần hứa và cũng có rất nhiều đoàn đến khảo sát, đo đạc đất, ghi nhận ý kiến, song đã hơn 20 năm, từ khi các con tôi mới học lớp 7, lớp 10, nay đều đã lấy chồng, lấy vợ, sinh con, mà gia đình tôi vẫn lơ lửng câu hỏi: Bao giờ mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bao giờ mới ổn định cuộc sống?”, bà Chanh buồn rầu nói.
Tương tự, gia đình ông Tạ Đức Đạt cũng từ xã Tân Đức về sinh sống tại xã Yên Bài từ năm 2002, được giao đất ở và đất sản xuất tại thôn Mít. Hiện tại, ông Đạt đã theo con đi sinh sống nơi khác, ngôi nhà bị bỏ hoang. Anh Tạ Đức Mạnh (con trai ông Đạt) mong muốn sớm được giải quyết các thủ tục về đất đai, để bố mẹ yên hưởng tuổi già nơi quê nhà.
Mong chờ tháo gỡ khó khăn
Theo Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Lập, những năm 1990-2000, xã Yên Bài đón hàng trăm hộ dân ở các vùng bị sạt lở đến sinh sống. Hộ nào cũng được huyện giao đất ở và đất sản xuất, nhập hộ khẩu đầy đủ. Sau một thời gian, bà con cũng hòa cùng nhịp sống ở địa phương, không có sự phân biệt nào trong chính sách an sinh xã hội. Hộ di dân nào được giao đất thuộc xã quản lý thì hầu hết đã được địa phương đo đạc, kiểm đếm và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; còn những hộ được giao đất do Nông trường Việt Mông quản lý, đến nay vẫn phải chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng, vượt quá khả năng của xã và huyện.
"Hộ ít cũng 20 năm, nhiều hộ gần 40 năm đến ở tại Yên Bài, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến công tác quản lý trật tự xây dựng gặp nhiều khó khăn. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, UBND xã Yên Bài đã nhận được 15 đơn đề nghị xây mới, sửa nhà trên đất nông, lâm trường. Đối với các trường hợp xây mới nhà trên đất có nguồn gốc là đất của nông, lâm trường, xã đều thành lập đoàn kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm. Nhìn cảnh các cụ già ngồi khóc trước căn nhà cũ, cán bộ địa phương cũng không biết phải xử lý ra sao. Chính quyền địa phương bị mắc kẹt giữa quy định trong quản lý nhà nước và thực tiễn đời sống...", Chủ tịch UBND xã Yên Bài Nguyễn Văn Lập chia sẻ.
Trong khi chờ đợi hướng dẫn cụ thể từ phía cơ quan chức năng, bà Chanh cùng nhiều hộ dân thuộc diện di dân đến định cư tại xã Yên Bài được cấp đất có nguồn gốc của nông, lâm trường gửi gắm: "Chúng tôi thiệt đủ đường, cùng đi di dân như nhau, nhưng nhiều hộ không vướng hai chữ đất nông, lâm trường đều đã xây được nhà, nhiều người cho, tặng thừa kế cho con cái đất đai được chứng nhận quyền sử dụng đất có giá trị. Chúng tôi không thuộc diện là cán bộ, công nhân viên cũ của nông, lâm trường nhận giao khoán theo quy định, mà thuộc diện dân di cư theo chính sách của Đảng và Nhà nước, mong rằng thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan sớm giải quyết cho chúng tôi".
Câu chuyện của những hộ di dân từ các vùng bị sạt lở, thiên tai về xã Yên Bài được giao đất nông, lâm trường đến nay chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là nỗi lòng của nhiều hộ dân ở các xã khác, như: Vân Hòa, Tản Lĩnh, Ba Trại… của huyện Ba Vì.
Trong thời gian chờ bàn giao đất đai của các nông, lâm trường về địa phương quản lý, để giữ nguyên hiện trạng, Huyện ủy Ba Vì đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/HU ngày 22-7-2019 về việc tăng cường lãnh đạo công tác quản lý đất đai; xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Ba Vì. Trong đó, có nội dung không cho phép xây dựng mới, sửa chữa trên phần đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.