(HNM) - "Sản lượng lúa gạo xuất khẩu thì Đồng bằng sông Cửu Long chiếm trên 90% của cả nước, nhưng người nông dân trồng lúa thì vẫn chưa thoát được cái nghèo. Một nghịch lý mà chúng ta chưa tìm ra giải pháp tháo gỡ " - Tiến sĩ Nguyễn Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa tỏ ra lo lắng…
Nông dân còn nghèo: Vì đâu?
Từ lâu, nhiều người đã ví von Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là "vương quốc" nông nghiệp của cả nước. Bởi nơi đây chiếm trên 50% sản lượng lúa, 52% sản lượng thủy sản, 70% sản lượng trái cây… Thực tế thì trong những năm qua, nhiều loại trái cây, nông sản của khu vực này có lợi thế so sánh hơn so với các quốc gia khác nhưng… trớ trêu thay người nông dân vẫn chưa thoát nghèo(!?) Nhắc đến điều này, Viện sĩ - TS Nguyễn Trần Dương bức xúc: Chúng ta cứ nói, giá xuất khẩu nông sản này, nông sản kia thấp nhưng thực tế người tiêu dùng ra thị trường mua thì giá vẫn rất cao. Vậy ai đã làm cho giá nông sản tăng lên, nếu không phải là khâu trung gian. Đây là điều mà chúng ta chưa có chính sách, chế tài để khắc phục tình trạng trên.
ĐBSCL phong phú nông sản, nhưng khó khăn về thị trường. |
Việc người nông dân bán sản phẩm làm ra thấp, mua lại để tiêu dùng với giá cao khiến họ không đủ điều kiện tái tạo sức lao động. Chia sẻ về điều này, GS-TS Phạm Văn Biên - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam cho biết, nếu như trước đây người nông dân luôn nơm nớp lo sợ "được mùa mất giá" thì nay mất mùa cũng lo sợ mất giá. Điều này là do quy hoạch ở các địa phương ĐBSCL còn mang nặng tính áp đặt, chủ quan, không phù hợp với nhu cầu thị trường. Trong thời gian qua việc liên kết "4 nhà" (nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) - được xem là chìa khóa để phát triển nông nghiệp bền vững thì lại kém hiệu quả. Điển hình nhất là sự mâu thuẫn lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp. Nông dân khi thấy sản phẩm hút hàng thì tìm những nơi có giá cao để bán, không bán cho doanh nghiệp mà mình liên kết; còn ngược lại thì doanh nghiệp ép giá nông dân. Vòng luẩn quẩn này khiến nông nghiệp ĐBSCL khó phát triển bền vững, nông dân cũng khó giàu lên được.
Không phải bây giờ mà từ nhiều năm qua, ĐBSCL đã có chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp của vùng nhưng đến nay vẫn còn loay hoay. Điều này theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách, chiến lược và phát triển nông nghiệp là do các địa phương vẫn chưa có sản phẩm nông nghiệp bền vững, chưa xác định quyết sách nông nghiệp bền vững và chưa có người nông dân bền vững. Dù là một vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước nhưng số người có chuyên môn đại học, cao đẳng về chế tạo, chế biến; đặc biệt là kỹ thuật nông, lâm nghiệp và thủy sản còn quá thấp so với nhu cầu.
… doanh nhân hóa nông dân: Đột phá?
Các nhà khoa học cho rằng, con người là trung tâm của sản xuất nông nghiệp nên muốn nông nghiệp bền vững phải bắt đầu từ con người. Trước tiên ĐBSCL có thể xây dựng chương trình "doanh nhân hóa một vạn nông dân". Việc doanh nhân hóa nông dân là giúp người nông dân có ý thức, tư duy của một doanh nhân. Chỉ khi nào ĐBSCL đào tạo được một lớp nông dân mới thì sẽ có một nền nông nghiệp mới, bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện được chương trình này, bài toán đặt ra là làm sao để nâng cao dân trí của người nông dân. TS Đặng Kim Sơn gợi ý: Các tỉnh ĐBSCL cần có chính sách ưu tiên trong giáo dục và đào tạo ở lĩnh vực nông nghiệp. Đồng thời mở rộng đào tạo cao đẳng khối nông nghiệp, đào tạo ra các kỹ sư thực hành đủ sức giải quyết các vấn đề kinh tế, kỹ thuật đối với thực tiễn sản xuất ở cơ sở. Cũng theo ông Sơn, dù có liên kết vùng hay liên kết "4 nhà" nhưng điều quan trọng là phải làm sao liên kết được với những người làm ăn thực sự để mua bán với nông dân. Các nhà nhập khẩu, chế biến và xuất khẩu phải minh bạch với nhau thì mới giải quyết được tình trạng, được mùa mất giá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.