Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý chợ đầu mối, chợ cóc

Hoàng Thu Vân| 11/01/2010 07:55

(HNM) - Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng tới năm 2020. Tổng kinh phí cho đề án này là hơn 9.100 tỷ đồng.


Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2020, tất cả các xã đều có chợ đạt tiêu chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp 31 chợ đầu mối nông sản, xây mới 82 chợ đầu mối với kinh phí trên 6.000 tỷ đồng; cải tạo, nâng cấp 142 chợ, xây mới 276 chợ biên giới, chợ cửa khẩu; xây dựng mới hơn 3.000 chợ dân sinh... Như vậy sẽ hiện thực hóa mục tiêu tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trung bình hằng năm ở địa bàn nông thôn giai đoạn 2010-2015 là khoảng 22%/năm...

Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, trên 70% dân số là nông dân, khu vực nông thôn giữ vai trò đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội, thì thông tin trên là rất đáng mừng. Chắc chắn đề án này sẽ góp phần không nhỏ rút ngắn khoảng cách nông thôn và thành thị. Người nông dân mừng vì sẽ có điều kiện tiếp cận được với những sản phẩm văn minh hiện đại chỉ là một chuyện, mà sâu xa hơn, khi phát triển được hệ thống chợ ở khu vực nông thôn, việc mua bán, trao đổi hàng hóa thuận tiện thì những người quanh năm "chân lấm tay bùn" sẽ không còn phải cơ cực, vất vả lo chuyện tiêu thụ sản phẩm hoặc bị ép giá...

Mừng là thế nhưng chưa phải đã hết lo. Xin lấy ví dụ, năm 2004, Hà Nội triển khai 64 dự án xây dựng, chỉnh trang chợ với tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi khai trương, vài năm sau chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Xuân Đỉnh (Từ Liêm) luôn trong cảnh vắng lặng, các hộ kinh doanh chỉ trụ được vài ngày rồi bỏ đi vì không buôn bán được. Các chợ đầu mối khác như Đền Lừ, Bắc Thăng Long, Sóc Sơn, chợ buôn bán xe máy, đồ cũ Quảng An... cũng trong tình cảnh tương tự. Trước khi Hà Nội hợp nhất với Hà Tây, Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội đã từng thừa nhận tại các buổi chất vấn của đại biểu HĐND TP rằng, các chợ đầu mối trên địa bàn đang gặp khó khăn vì quy hoạch có nhiều bất cập, không phù hợp với thực tế. Đến nay, từ những chợ đã nằm trong quy hoạch của tỉnh Hà Tây (cũ) và một số chợ dân sinh, chợ đầu mối của Hà Nội (cũ) đang tồn tại lay lắt, lại càng nhìn rõ hơn những bất cập. Trong khi đó, những chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm thì ngày càng tùy tiện phát triển, làm xấu bộ mặt đô thị, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Quy hoạch chợ tại TP Hồ Chí Minh cũng tương tự. Hiệu quả mà các chợ mang lại cho dịch vụ thương mại thời gian qua không tương ứng với số lượng chợ đang có. Theo khảo sát thì 23,7% chợ không sử dụng hết công suất, 25-30% chợ không khai thác hết mặt bằng. Nhiều chợ được xây mới nhưng hoặc bị bỏ trống, hoặc sử dụng sai mục đích...

Tuy nhiên tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, bà con nông dân nhiều năm dằn vặt một nỗi niềm mong có những chợ đầu mối nông sản thực sự. Hiện tại, lượng nông sản được các DN nhà nước, DN tư nhân thu mua trực tiếp từ nông dân chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong sản lượng thu hoạch của nông dân. Một số chợ chỉ thực hiện được khâu liên kết, trao đổi giữa người sản xuất và người mua, chưa thực hiện được khâu chế biến, bảo quản nông sản và chưa thiết lập được hệ thống thông tin thị trường hiện đại...

Theo tính toán của Bộ Công thương, dự kiến chi phí cho việc quy hoạch hệ thống chợ của cả nước sẽ mất khoảng trên 15.000 tỷ đồng. Tuy đó là một khoản tiền không nhỏ, nhưng thậm chí có thể phải mất nhiều tiền hơn thế để có một quy hoạch chợ thực sự hiệu quả trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương thì đó vẫn là điều hoàn toàn cần thiết. Vấn đề mà xã hội lo ngại là chúng ta đã mất quá nhiều tiền cho không ít quy hoạch chỉ có hiệu quả trên giấy. Đây là những lãng phí làm nghèo đất nước và làm tuột khỏi tay cơ hội phát triển, làm giàu cho người dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý chợ đầu mối, chợ cóc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.