Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghĩa tình bộ đội Trường Sơn

Hiền Phương| 15/04/2017 07:34

(HNM) - Không chỉ anh dũng chiến đấu, lao động làm nên tuyến đường huyền thoại năm xưa, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay dù tuổi đã xế chiều, những cựu chiến sĩ Trường Sơn vẫn phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, giúp đồng đội vươn lên trong cuộc sống đời thường…


Cô thanh niên xung phong Vũ Thúy Lành trên tuyến đường Trường Sơn năm nào giờ đã là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cát Tường, chuyên sản xuất bóng đèn, phích nước tại TP Hà Nội. Không chỉ giỏi kinh doanh, bà còn tích cực hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ đồng đội thoát nghèo. Những năm qua, doanh nghiệp của bà Lành đã dành hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân vùng lũ lụt, giúp đỡ đồng đội, nhân dân địa phương nơi bà từng đóng quân và tài trợ kinh phí cho Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam hoạt động.

Hay như với cô nuôi quân Trần Thị Chung thì những ngày tháng chiến đấu ở đường Trường Sơn đã lui vào ký ức nhưng hình ảnh đồng đội anh dũng hy sinh trên chiến trường vẫn in đậm trong tâm trí. Với suy nghĩ đó, nhiều năm qua gia đình bà Trần Thị Chung đã ủng hộ hàng tỷ đồng cho hoạt động tình nghĩa của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh tại TP Hà Nội và các tỉnh lân cận. Mới đây, trong tháng 3-2017, gia đình bà Chung đã tặng 2 căn nhà tình nghĩa với tổng trị giá 140 triệu đồng cho hai cựu chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn ở tỉnh Thái Bình.

Không chỉ các cựu chiến sĩ Trường Sơn đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Hà Nội, tại các địa phương khác trong cả nước cũng xuất hiện những tấm gương tích cực giúp nhau xóa đói, giảm nghèo. Đó là các cựu chiến sĩ Trường Sơn: Lê Quang Vịnh, Cao Duy Bạ, Nguyễn Thị Lan ở tỉnh Thanh Hóa, mỗi người đã dành từ 200 đến 500 triệu đồng cho đồng đội vay không tính lãi để phát triển kinh tế. Thương binh Nguyễn Văn Phong ở Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) dù mất hơn 80% sức khỏe nhưng vẫn quyết chí làm giàu, là ông chủ doanh nghiệp sản xuất thủ công mỹ nghệ, tạo việc làm cho 20 lao động…

Năm năm gần đây, Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã phát động nhiều chương trình nhằm huy động sự đóng góp của hội viên và các nguồn lực xã hội khác giúp đỡ cựu chiến sĩ Trường Sơn có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Hội đã vận động được khoảng 140 tỷ đồng ủng hộ và đã hỗ trợ xây dựng gần 2.000 nhà tình nghĩa, tặng hơn 3.000 sổ tiết kiệm, tặng quà và giúp đỡ đồng đội. Cựu chiến sĩ Trường Sơn Nguyễn Phú Khang, xã Đức Thượng (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh gia đình khó khăn được hỗ trợ 70 triệu đồng để xây nhà tình nghĩa vui mừng chia sẻ: “Ngôi nhà mới là niềm mơ ước của gia đình tôi từ nhiều năm nay”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết: Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều chiến sĩ Trường Sơn năm xưa còn đang gặp những khó khăn, vất vả. Nhưng những nỗ lực của hội mới chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ khó khăn của hơn 320 nghìn hội viên trong cả nước. Cuối năm 2016, Hội một lần nữa phát động chương trình “Tri ân Chiến sĩ Trường Sơn” và nhận được gần 400 triệu đồng ủng hộ. Từ số tiền này, Hội đang lên kế hoạch hỗ trợ xây nhà cho hội viên đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Câu lạc bộ nữ Chiến sĩ Trường Sơn còn huy động được 210 triệu đồng xây 3 nhà tình nghĩa tặng 3 nữ cựu chiến sĩ Trường Sơn khó khăn về nhà ở tại Thái Bình, Hà Nam; huy động hơn 700 triệu đồng do hội viên góp làm vốn giúp nhau phát triển kinh tế.

Có thể khẳng định, những việc làm của Hội Truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam hôm nay đang viết tiếp trang sử vẻ vang của chiến sĩ Trường Sơn năm xưa…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa tình bộ đội Trường Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.