Đến nay vẫn còn 275 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ; 4.928 đồng chí bị thương chưa được công nhận thương binh.
Ngày 15-7, tại Hà Nội, Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ bảy, khóa IV, nhiệm kỳ 2019-2024; kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2024); tổng kết việc phát huy vai trò “Nhân chứng lịch sử” tham gia giải quyết chế độ chính sách cho thanh niên xung phong và phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội” giai đoạn 2019-2024.
Với vai trò là nhân chứng lịch sử, 5 năm qua, các cấp Hội trong cả nước tiếp tục chủ động phối hợp cùng các ngành chức năng để giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong. Qua đó, cả nước đã giải quyết được 19.514 trường hợp hưởng trợ cấp một lần; 910 trường hợp hưởng trợ cấp thường xuyên; 156.207 trường hợp hưởng bảo hiểm y tế; 18.600 trường hợp từ trần được hưởng trợ cấp mai táng phí; 68 trường hợp hy sinh được công nhận liệt sỹ; 211 trường hợp bị thương được hưởng chế độ như thương binh và 1.001 trường hợp nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ (trong đó có 159 trường hợp là con, cháu thanh niên xung phong).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Hội, đến nay vẫn còn 275 thanh niên xung phong hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ; 4.928 đồng chí bị thương chưa được công nhận thương binh; 9.108 đồng chí và 544 con, cháu thanh niên xung phong bị nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ.
Trong phong trào “Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi - Vì nghĩa tình đồng đội”, trong 5 năm (2019-2024), cả nước có gần 12.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh của cựu thanh niên xung phong, trong đó tập trung chủ yếu là kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp..., giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động, với phần lớn là con cháu cựu thanh niên xung phong, với thu nhập bình quân 5-12 triệu đồng/người/tháng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim cho biết, thông qua việc phát huy vai trò nhân chứng lịch sử và thực hiện phong trào làm kinh tế giỏi, có thể khẳng định, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương, thanh niên xung phong vẫn mang tinh thần, nghị lực và truyền thống thanh niên xung phong trên các mặt trận; đã, đang và sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó, không những đem lại giá trị về mặt kinh tế mà còn thắt chặt hơn nghĩa tình đồng đội, gắn kết hơn giữa các hội viên, giữa hội viên với tổ chức Hội.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực không mệt mỏi trong vai trò nhân chứng lịch sử, tham gia giải quyết chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong, Hội đã thực sự là người đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên, tạo sự gắn kết ngày càng bền chặt hơn giữa hội viên với tổ chức Hội; đồng thời, giúp Đảng, Nhà nước thực hiện tốt chính sách đối với người tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định xã hội và tham gia phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.