(HNM) - Trên thế giới chưa có một nhà lãnh đạo nào lại viết thơ cho thiếu nhi nhiều như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người có đến 16 bài thơ viết cho thiếu nhi.
Hai dấu mốc quan trọng
Năm 1941, sau khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Bác viết thơ kêu gọi các tầng lớp nhân dân, trong đó có thiếu nhi, tùy theo sức của mình, cùng toàn dân cứu nước, cứu nhà. “Kêu gọi thiếu nhi” và “Trẻ chăn trâu” là hai bài thơ đầu tiên Bác viết cho thiếu nhi bằng thể lục bát truyền thống. Mở đầu bài “Kêu gọi thiếu nhi” là những lời giản dị, chan chứa tình yêu thương: “Trẻ em như búp trên cành/Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan/Chẳng may vận nước gian nan/Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng…”. Những lời thơ là những lời từ trái tim đến với trái tim, những lời Bác viết cho thiếu nhi mà cũng cho tất cả mọi người. Bác đặt câu hỏi: “Vì ai?” ở cả hai bài thơ và Bác chỉ đích thị: “Vì giặc Nhật giặc Tây bạo tàn/Khiến ta mất nước nhà tan/Trẻ em cũng bị cơ hàn xót xa” (Kêu gọi thiếu nhi). “Ấy là vì Nhật, vì Tây/Ra tay vơ vét đọa đầy chúng ta” (Trẻ chăn trâu). Bác gợi mở, dắt dẫn cụ thể, từng bước mở rộng nhận thức, suy nghĩ để đi đến vận động, giáo dục, giác ngộ các cháu: “Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh/Người lớn cứu nước đã đành/Trẻ em cũng góp phần mình một tay”. Và: “Nhi đồng cứu quốc” Hội ta/Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh/Ấy là bộ phận Việt Minh/Dân mình khắc cứu dân mình mới xong”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi. Ảnh tư liệu |
Hai bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” và “Trẻ chăn trâu” đã trở thành dấu mốc quan trọng của thơ ca Việt Nam viết về thiếu nhi. Hai tác phẩm thực sự đem đến nội dung mới mẻ, một tình thương yêu bao la, một trách nhiệm to lớn đối với thế hệ trẻ được biểu đạt bằng một hình thức nghệ thuật giản dị, thấm sâu vào lòng người.
Từ tình thương bao la đến xây dựng niềm tin cho trẻ
Thương yêu các cháu, Bác chăm lo, dạy dỗ các cháu từ việc nhỏ đến việc lớn. Sau này, Bác đều kết lại thành thơ. Những bức thư, những bài thơ Bác gửi cho các cháu đều có những yêu cầu cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh cách mạng, gắn chặt với tình hình đất nước, đúng với việc làm, tâm lý lứa tuổi của các cháu. Năm 1952, Bác viết: “Mong các cháu cố gắng/Thi đua học và hành/Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/Đi tham gia kháng chiến/Để gìn giữ hòa bình/Các cháu hãy xứng đáng/Cháu Bác Hồ Chí Minh” (Thư Trung Thu - 1952). Vào những năm 1960, 1961, xuất phát từ tình hình mới và trên cơ sở tổng kết các điều đã dạy, đã khuyên, Bác đúc kết thành Năm điều: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/Học tập tốt, lao động tốt/Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/Giữ gìn vệ sinh thật tốt/Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. “Năm điều Bác Hồ dạy” đã trở thành tiêu chuẩn đạo đức của thiếu nhi Việt Nam.
Để giáo dục, khích lệ và tạo niềm tin cho các cháu, Bác thường nêu những tấm gương điển hình của thiếu nhi trong lịch sử và trong đời sống cụ thể hằng ngày. Như gương cậu bé Làng Gióng: “Thiếu nhi ta rất vẻ vang/Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời/Tuổi tuy chưa đến chín mười/Ra tay cứu nước diệt loài vô lương”. Gương anh hùng trẻ tuổi Trần Quốc Toản: “Quốc Toản là người có tài/Mới mười sáu tuổi ra oai trận tiền/Mấy lần đánh thắng quân Nguyên/Được phong làm tướng cầm quyền binh nhung/Thật là một đấng anh hùng/Trẻ con nước Việt nên cùng noi theo” (Lịch sử nước ta). Bác gửi lời khen bằng thơ đến cháu Phạm Đỗ Hải, một liên lạc viên bị giặc bắt đã dùng mưu trốn thoát còn tuyên truyền, dụ được hai lính Tây ra hàng; Bác khen cháu Lê Văn Thực dũng cảm một mình bắt sống được giặc (“Khen tặng hai cháu liên lạc trong bộ đội Quân khu II”)…
Những lời dạy bảo, những bức thư, những bài thơ của Bác không chỉ có tác dụng đối với thiếu nhi mà còn giúp cho các nhà quản lý rút ra được phương pháp giáo dục trẻ em tốt nhất. Bác nói: “Giáo dục thiếu nhi là một vấn đề khoa học”, và “cách dạy phải nhẹ nhàng, đừng dạy các em trở thành những ông cụ non. Đối với trẻ em, phải giáo dục như thế nào cho các cháu biết đoàn kết, ham học, ham làm, nhưng phải làm sao cho trẻ có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ hoạt bát chứ không phải khúm núm đặt đâu ngồi đấy” (Làm theo Bác Hồ dạy - NXB Kim Đồng).
Bác đặc biệt nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là người giáo dục trẻ em phải là tấm gương sáng cho các em noi theo: “Trẻ em hay bắt chước cho nên thầy giáo, cán bộ phụ trách phải gương mẫu, từ lời nói đến việc làm” (Hồ Chủ tịch với thanh niên và thiếu nhi. NXB Thanh niên). Bác chỉ thị công việc giáo dục trẻ em là công việc không phải chỉ một số người trực tiếp giáo dục trẻ em mà phải là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Bác dạy: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Bác đã đi xa nhưng tình thương yêu của Bác với thiếu nhi vẫn còn đọng lại mãi. Và lớp lớp thiếu nhi hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn còn hát mãi:
“Ai yêu các nhi đồng/ Bằng Bác Hồ Chí Minh”...
“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh/ Hơn chúng em nhi đồng”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.