(HNM) - Ngày 27-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội (có hiệu lực từ ngày 1-7-2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm).
Nhân sự kiện này, Báo Hànộimới ghi nhận nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên và cử tri Thủ đô ủng hộ, đồng thời nhấn mạnh, bộ máy chính quyền phường và quận, thị xã sẽ tăng nhiệm vụ đi đôi với việc nâng cao trách nhiệm, từ đó bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bà Vũ Bích Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm:
Mô hình chính quyền đô thị là xu thế tất yếu
Là cán bộ nhiều năm gắn bó với cơ sở, tôi nhận thấy việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội từ ngày 1-7-2021 là xu thế tất yếu khi mà Hà Nội đã và đang đối mặt với nhiều thách thức về đô thị, áp lực về hạ tầng cơ sở, giao thông, môi trường, sự gia tăng về dân số... Theo chủ trương này, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường sẽ được nâng lên.
Cụ thể, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các quy định khác của pháp luật có liên quan, UBND cấp phường còn phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trình UBND quận, thị xã phê duyệt, tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt; quyết định phân bổ ngân sách địa phương sau khi HĐND quận, thị xã quyết định dự toán thu, chi ngân sách…
Nhiệm vụ, quyền hạn được nâng lên đòi hỏi trách nhiệm của người đứng đầu UBND cấp phường cũng sẽ phải nâng lên. Mong rằng, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được thực hiện sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, qua đó góp phần tích cực xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy:
Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
Theo Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, UBND phường sẽ gồm chủ tịch, phó chủ tịch và công chức khác. Trong đó, chủ tịch có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm cá nhân về mọi vấn đề trong phạm vi thẩm quyền của phường do mình quản lý. Chủ tịch là người đứng đầu UBND phường, chịu trách nhiệm trước UBND, chủ tịch UBND quận, thị xã, thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo đúng quy định của Chính phủ và phân cấp, ủy quyền của cấp trên…
Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung không tổ chức HĐND phường, đồng nghĩa với việc quyền hạn và trách nhiệm sẽ tập trung vào người đứng đầu UBND phường. Sự thành công của chính quyền đô thị không nằm ở việc tinh giản được bao nhiêu nhân lực, giảm được bao nhiêu thủ tục hành chính..., mà chính là ở cách vận hành bộ máy hoạt động hiệu quả như thế nào. Vì vậy, phải đặc biệt chú trọng tới nguồn lực con người, bởi đây là yếu tố quyết định thành công và hiệu quả của mô hình mới về quản lý hành chính nhà nước cấp cơ sở. Về lâu dài, cần phải tổ chức đào tạo và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực phù hợp, có trình độ, đáp ứng được những yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Đảng viên Phạm Ngọc Thạch, 49 năm tuổi Đảng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội
Tôi hoàn toàn ủng hộ Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội vừa được Quốc hội thông qua. Lâu nay, tại các địa phương, vai trò giám sát của HĐND đối với triển khai các chỉ tiêu về kinh tế, văn hóa - xã hội đồng thời gắn với việc thực hiện các chỉ tiêu đề ra chưa thực sự rõ nét. Trên thực tế, các tổ chức đoàn thể, nhất là Mặt trận Tổ quốc hoàn toàn có thể đảm nhiệm và làm tốt vai trò này, thể hiện rõ qua nhiều chương trình hành động cụ thể tại địa phương.
Hoạt động hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội thực sự là tín hiệu đáng mừng, góp phần đẩy lùi các biểu hiện vi phạm (nếu có) trong đội ngũ cán bộ, công chức, lãnh đạo cấp cơ sở cũng như các hoạt động thực hiện mục tiêu phát triển tại địa phương. Vì vậy, để thực hiện thành công việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội phải được củng cố, phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai:
Tăng cường tính chủ động, sáng tạo
Tôi và đông đảo cử tri phường Tân Mai, quận Hoàng Mai phấn khởi khi biết tin Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trong đó có nội dung không tổ chức HĐND phường, nhiệm kỳ 2021-2026.
Qua theo dõi và thực tế ở cơ sở cho thấy, việc không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội là phù hợp và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, thiếu đi một cơ quan giám sát, mỗi lãnh đạo cấp cơ sở sẽ phải nhận thức rõ hơn về trách nhiệm được giao, tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong công việc. Đặc biệt phải chủ động đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc. Và vấn đề cốt lõi là phải bảo đảm quyền làm chủ của người dân, của cử tri.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.