Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghèo nàn nghệ thuật cho tuổi thơ

Người Lái Đò| 03/07/2011 06:44

(HNM) - Do không có nhiều loại hình nghệ thuật nên ngày xưa các cụ tận dụng tối đa ca dao, hò vè, đồng dao, chuyện cổ tích để giáo dục con trẻ. Ngày nay, các loại hình nghệ thuật phong phú hơn rất nhiều nhưng sản phẩm cho trẻ lại quá ít, nếu có thì lại theo kiểu làm nghệ thuật cho trẻ em theo tư duy người lớn.

Tháng hành động vì trẻ em năm nay vừa kết thúc và dường như không thấy sản phẩm nghệ thuật nào xuất hiện...

Trong chiến tranh chống Mỹ và suốt cả thời kỳ bao cấp, dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí khá đầy đủ để Hãng Phim hoạt hình làm phim. Vì thế hàng loạt bộ phim mang tính giáo dục cao ra đời như: "Trần Quốc Toản ra quân", "Thánh Gióng", "Sơn Tinh - Thủy Tinh"... Song, ngót chục năm trở lại đây, kinh phí cấp cho sản xuất quá ít nên mỗi năm hãng này chỉ làm được không quá 4 phim và không có đầu ra. Mặt khác, công nghệ sản xuất đã thay đổi cơ bản, nhưng thiết bị của hãng lại quá cũ khiến chất lượng phim rất thấp, không thu hút được trẻ em. Chúng ta cũng có một Xưởng phim Thanh - thiếu nhi (thuộc Hãng Phim truyện Việt Nam), nhưng hiện tại hãng vận hành theo cơ chế thị trường. Tìm kinh phí làm phim cho người lớn đã khó, thuyết phục nhà đầu tư bỏ tiền làm phim thiếu nhi lại còn khó hơn, dù số lượng khán giả thiếu nhi rất lớn.

Sở dĩ có nghịch lý này vì làm phim thiếu nhi khó hơn nhiều lần so với làm phim cho người lớn. Và thế là từ nhiều năm nay, hãng gần như không sản xuất phim cho độc giả nhỏ.

Sân khấu cho trẻ em cũng không khá hơn, "xuân thu nhị kỳ" Nhà hát Tuổi Trẻ mới có chương trình. Còn xiếc hay múa rối nước, quanh đi quanh lại chỉ vài tiết mục. Kinh phí chỉ là một phần nhưng chúng ta không có nhà biên kịch, diễn viên, đạo diễn... chuyên sáng tạo cho lứa tuổi này. Mới đây hội thảo "Ca khúc cho trường phổ thông hiện nay - Thực trạng và giải pháp" do Hội Âm nhạc Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương phối hợp tổ chức đã cho thấy thực trạng: thiếu trầm trọng các ca khúc trong nhà trường cũng như cho thiếu nhi. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng nguyên nhân chính là thu nhập của nhạc sĩ. Sáng tác ca khúc cho thanh niên vừa nổi tiếng nhanh, nếu được sử dụng liên tục nhạc sĩ còn có tiền bản quyền, trong khi đó sáng tác cho thiếu nhi khó nổi tiếng và nỡ nào thu tiền bản quyền khi các cháu hát trong liên hoan văn nghệ nhà trường? Do thiếu sản phẩm nghệ thuật nên con trẻ phải tìm đến các trò chơi khác, trong đó có trò chơi điện tử và hậu quả thế nào thì ai cũng biết cả .

Nghệ thuật, ngoài giải trí còn có tác dụng giáo dục và góp phần định hình nhân cách cho trẻ. Thực trạng nghệ thuật cho thiếu nhi nghèo nàn như hiện nay khiến xã hội không thể không lo lắng cho tương lai nước nhà khi trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS chiếm tới 1/6 dân số cả nước. Trẻ em dưới 6 tuổi khám, chữa bệnh không phải trả tiền, được tiêm chủng miễn phí... Tại sao việc chăm sóc tinh thần cho lứa tuổi này lại không có chính sách tương tự?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nghèo nàn nghệ thuật cho tuổi thơ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.