Chuyện đó đây

Nghệ thuật Kinh kịch Trung Quốc và cuộc khủng hoảng thiếu nhân tài

Nhật Quang (tổng hợp) 17/09/2023 - 21:21

Kinh kịch, loại hình nghệ thuật được coi là bảo vật quốc gia, là “ngôi nhà tinh thần” của người Trung Quốc. Tuy nhiên, dù rất nỗ lực trong việc đầu tư về mọi mặt, Kinh kịch vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, sự cạnh tranh gay gắt của các loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại khác đang khiến cho nghệ thuật này rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu nhân tài.

638299631941754406-tr4.jpg
Nghệ thuật Kinh kịch của Trung Quốc đang đứng trước cuộc khủng hoảng thiếu tài năng.

Gian nan học hành

Để có màn trình diễn thăng hoa trên sân khấu với vũ đạo uyển chuyển, cách ca mẫu mực, những diễn viên Kinh kịch đã đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và trải qua những khó khăn không thể tưởng tượng được.

Zhang Huoding, một vũ sư nổi tiếng từng nói: "Tôi sẽ không cho con gái mình học Kinh kịch. Khó quá!". Đối với những ai quyết tâm bước vào nghề Kinh kịch, vô số kỹ năng cơ bản trong biểu diễn Kinh kịch là rào cản đầu tiên phải vượt qua. Sau khi tốt nghiệp tiểu học, trẻ học Kinh kịch sẽ vào một trường đào tạo chuyên ngành, phải thức dậy lúc 6h sáng mỗi ngày để luyện các kỹ năng cơ bản: Vòng sân, ép chân, đá, giữ đỉnh, nhào lộn nhỏ, treo giọng..., song song với đó vẫn phải học các lớp văn hóa. Cuộc sống đơn điệu cùng chế độ tập luyện khắt khe này phải kéo dài ít nhất 6 năm trước khi chúng bắt đầu bước vào trình độ cao hơn.

Theo Shu Tong, Giám đốc khoa Kinh kịch thuộc Học viện Opera Trung Quốc, võ thuật trong Kinh kịch nói riêng chú trọng đến kung-fu thực sự, đòi hỏi nhiều thời gian và sức lực để lặp đi lặp lại quá trình luyện tập nhàm chán. Một số động tác khó dễ khiến diễn viên bị thương. "Trên sân khấu, đằng sau mỗi cú xoay người đẹp mắt và mỗi cảnh võ thuật gay cấn đều là mồ hôi của diễn viên" - Shu Tong nói.

Nhưng không phải cứ luyện tập chăm chỉ là có thể trở thành một diễn viên Kinh kịch xuất sắc. Theo Liu Qiran, giáo viên tại Học viện Kinh kịch Trung Quốc, "học cho kỹ" Kinh kịch không chỉ đòi hỏi sự rèn luyện chăm chỉ mà còn phải học cách sử dụng trí óc và nắm bắt tinh thần của nhân vật.

Chính vì vậy, có rất nhiều nghệ sĩ theo đuổi giấc mơ Kinh kịch nhưng chỉ có số ít thành danh với nghệ thuật này. Điều đó khiến cho nhiều bậc phụ huynh không còn mặn mà hướng con em mình vào nghệ thuật Kinh kịch.

Cuộc khủng hoảng tài năng

Trong đời sống dân gian Trung Quốc sau thời nhà Minh và nhà Thanh, biểu diễn Kinh kịch chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, hình thành nên mạng lưới rạp hát trải rộng khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, và người ta đến rạp hằng ngày. Đời sống văn hóa, từ việc thờ cúng thần linh, cử hành các lễ hội, đám hỏi, đám cưới cho đến giao lưu, giải trí thường nhật đều liên quan mật thiết đến Kinh kịch. Kinh kịch chiếm lĩnh vững chắc không gian tinh thần của cộng đồng, trở thành kho báu trong ngôi nhà tinh thần của họ.

Tuy nhiên, hiện nay, nghệ thuật Kinh kịch cũng đứng trước rất nhiều khó khăn dù chính phủ nước này đã có nhiều hoạt động thiết thực để chấn hưng nghệ thuật truyền thống. Bộ máy cồng kềnh gồm hơn 5.000 đoàn kịch quốc doanh với hàng trăm nghìn diễn viên được chuẩn hóa lại với mục tiêu xã hội hóa, đưa nghệ thuật trở về với đời sống, đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo một bài phân tích trên trang http://www.counseller.gov.cn của Văn phòng Cố vấn Quốc vụ viện (COSC) và Viện Văn hóa và Lịch sử Trung ương Trung Quốc (CCICH), chính phủ nước này đã đưa ra nhiều “toa thuốc” nhằm mang đến cho Kinh kịch một sự thay đổi ngoạn mục, từ những thay đổi về khái niệm trong quan điểm nghệ thuật, đổi mới sân khấu, ghép nghệ thuật, hồi sinh các buổi biểu diễn, giải thưởng và lễ hội, đến tái cơ cấu đoàn kịch, giới thiệu thị trường và thúc đẩy xã hội hóa... Tuy nhiên, sau nhiều chục năm, bất chấp những nỗ lực không ngừng về mọi mặt, hệ sinh thái Kinh kịch không hề lạc quan, các đoàn nghệ thuật Kinh kịch vẫn bị thua lỗ, chật vật xoay xở. Số lượng đoàn kịch nhà nước đã giảm từ 5.000 xuống còn hơn 2.000.

Trong sự suy thoái đó, nhiều nghệ sĩ tài năng đã chọn rời bỏ Kinh kịch. Dòng diễn viên, đạo diễn từ các đoàn kịch nhà nước chuyển dần sang các lĩnh vực khác, nơi họ dễ dàng tham gia vào các hoạt động giải trí đại chúng hơn, ngày càng nhiều. Dù tha thiết với nghề, nhưng nhiều biên tập viên, đạo diễn, người sáng tạo sân khấu và các thành viên ban nhạc buộc phải thay đổi nghề nghiệp vì đoàn kịch không thể tự nuôi sống bản thân. Điều đó tạo nên một cuộc khủng hoảng tài năng, thiệt hại là rất lớn và không thể khắc phục được.

Chính vì vậy, khủng hoảng nhân tài được xem là vấn đề lớn thứ hai của nghệ thuật Kinh kịch, sau khủng hoảng tìm đường đổi mới nghệ thuật này. Đây có lẽ là vấn đề chung của nghệ thuật truyền thống ở nhiều quốc gia, khi các đơn vị nghệ thuật truyền thống dần phải cởi bỏ chiếc áo bao cấp, phải tự vận động trong bối cảnh hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật Kinh kịch Trung Quốc và cuộc khủng hoảng thiếu nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.